MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chị Nguyễn Thị Thu (Ba Đình, Hà Nội) - một bị hại trong vụ án lừa đảo tại Tập đoàn Sen Tài Thu. Ảnh: PV Lao Động

Đời bi kịch của bị hại vụ lừa đảo tại Tập đoàn Sen Tài Thu

NHÓM PHÓNG VIÊN THỜI SỰ LDO | 31/01/2024 10:32

Nhiều bị hại trong vụ án lừa đảo tại Tập đoàn Sen Tài Thu hiện rơi vào tình cảnh khốn đốn, gia đình tan nát, vợ chồng bất hòa.

Những bi kịch

Ngày 30.1, phóng viên Lao Động liên hệ lại với các nhân vật trong loạt bài phản ánh "Dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động huy động vốn của tại Công ty Cổ phần Sen Tài Thu (Tập đoàn Sen Tài Thu)" mà báo đã đăng tải trước đó.

Họ đều là các bị hại trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại Tập đoàn Sen Tài Thu mà Công an Hà Nội khởi tố mới đây.

Bà Phan Thu Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội), đại diện một nhóm nhà đầu tư khoảng 40 người cho biết, tất cả đều rất vui mừng sau khi Công an Hà Nội khởi tố vụ án, bắt tạm giam 3 cựu lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu.

Đây là kết quả mà cả nhóm đều mong chờ. Tuy vậy, bên cạnh niềm vui, điều mà tất cả các bị hại đều mong đợi nhất là làm sao sớm nhận lại được số tiền mà mình đã đầu tư để vơi bớt các khó khăn trước mắt.

Như trường hợp chị Nguyễn Thị Thu (Ba Đình, Hà Nội), nửa năm qua đã sống trong những đau khổ, dằn vặt, đã có lúc nghĩ đến tự tử.

Chị Thu sở hữu 17.000 cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu với giá trị lúc mua vào là 2 tỉ đồng. Số tiền này là của bố mẹ chị để trang trải viện phí, điều trị căn bệnh tai biến hàng tháng.

Từ khi Tập đoàn Sen Tài Thu dừng trả gốc và lãi, để trả viện phí hàng tháng cho bố mẹ, chị Thu đang vay lãi ngoài, số tiền lãi hàng tháng phải trả là hơn 10 triệu đồng, gấp đôi mức lương bưng bê, phục vụ bàn của chị.

"Tiền làm ra rất khó, mà số tiền này do bố mẹ tôi làm ra, chứ không phải là tôi, nếu không lấy lại được, tôi sẽ thành người con bất hiếu với bố mẹ”, chị Thu nói.

Bà Trần Thị Hòa cùng 6 hợp đồng đầu tư vào Sen Tài Thu. Ảnh: PV Lao Động

Tương tự là bà Trần Thị Hòa (75 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) sở hữu 6 hợp đồng mua cổ phần trị giá 1,75 tỉ đồng tại Tập đoàn Sen Tài Thu.

Khoản tiền đầu tư vốn trước đây là tiền tiết kiệm gửi tại một ngân hàng để dưỡng già, sau đó được nhân viên ngân hàng mời chào giới thiệu chuyển qua mua cổ phần tại Tập đoàn Sen Tài Thu.

Bà Hoà cho biết, nửa năm qua, cuộc sống đảo lộn hoàn toàn, nhiều đêm thức trắng, rơi vào trạng thái trầm cảm và suy nghĩ tiêu cực. Ước mong lớn nhất của người phụ nữ U80 hiện nay là nhận lại được số tiền đã đầu tư để có tiền lo cho tuổi già, ốm đau bệnh tật.

Đặc biệt nhất là trường hợp của bà Phạm Thị Hiền (73 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội). Bà Hiền hiện đứng tên 10 hợp đồng mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu, với tổng số tiền là hơn 16 tỉ đồng.

Ban đầu, bà Hiền chỉ đầu tư số tiền nhỏ, thấy nhận được lãi đầy đủ, bà dồn cả gốc, lãi cộng thêm tiền bán nhà và huy động từ các con số tiền 16 tỉ đồng để mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu. Số tiền 16 tỉ đồng gần như là toàn bộ tài sản của cả gia đình.

Bà Phạm Thị Hiền hiện điều trị ung thư giai đoạn 4. Ảnh: PV Lao Động

Bà Hiền cho biết, đang điều trị ung thư đại tràng giai đoạn 4, việc điều trị rất tốn kém nhưng không còn tiền, lại không dám xin con cái.

Không ít bị hại khác trong vụ án lừa đảo tại Tập đoàn Sen Tài Thu chia sẻ với phóng viên cho biết, họ hiện rơi vào tình cảnh khốn đốn, gia đình tan nát, vợ chồng bất hòa.

Cần làm gì để lấy lại tiền?

Luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trong vụ án trên, các cơ quan tiến hành tố tụng sẽ làm rõ tài sản mà các bị can đã chiếm đoạt của bị hại đang ở đâu để tiến hành áp dụng các biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế nhằm thu hồi tài sản cho các nạn nhân.

Luật sư Quách Thành Lực. Ảnh: PV Lao Động

"Cơ quan điều tra sẽ phong tỏa tài khoản tại ngân hàng, kê biên đối với các tài sản khác để đảm bảo thi hành án. Nếu các bị can hoặc người thân tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả thì cũng là tình tiết giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự cho các bị can", luật sư Lực nói.

Giám đốc Công ty Luật Pháp trị cho hay, những nạn nhân của vụ án có thể liên hệ với Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát Thành phố Hà Nội để được đề nghị tham gia tố tụng với vai trò là người bị hại. Đồng thời, cung cấp các tài liệu, đồ vật, chứng cứ yêu cầu để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét giải quyết.

* Tên nhân vật đã được thay đổi

This browser does not support the video element.

Đời bi kịch của bị hại vụ lừa đảo tại Tập đoàn Sen Tài Thu. Video: Trần Tuấn - Vĩnh Hoàng

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn