MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường hợp vi phạm qua camera phải đảm bảo đủ các yếu tố pháp lý gồm: Không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm); thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe. Ảnh: PV

Đủ chiêu trò né nộp phạt của người vi phạm giao thông bị phạt nguội

Quang Hiệu LDO | 08/09/2019 06:30

Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) - Công an thành phố Hà Nội cho biết, đơn vị đang quản lý, sử dụng 450 camera giám sát, phát hiện vi phạm giao thông tại các nút giao thông trọng điểm và các tuyến phố ở khu vực nội đô. Từ đầu năm 2019 đến nay, qua hệ thống camera, lực lượng CSGT đã ra quyết định, gửi thông báo xử phạt nguội hơn 1.700 trường hợp. Tuy nhiên, mới khoảng 60% trường hợp vi phạm đến nộp tiền phạt.

Viện đủ lý do trốn nộp phạt

Được biết, ngoài số camera trên, tại nhiều nút giao thông còn có hệ thống camera an ninh hỗ trợ khi cần thiết để giải quyết đến các vấn đề an ninh trật tự, xe gây tai nạn giao thông (TNGT) bỏ trốn.

Theo báo cáo của Phòng CSGT - Công an TP.Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, qua hệ thống camera, lực lượng CSGT đã ra quyết định xử phạt nguội hơn 1.700 trường hợp và gửi thông báo cho chủ phương tiện vi phạm. Đặc biệt, lực lượng chức năng đã trích xuất hàng trăm lượt hình ảnh phục vụ công tác điều tra vi phạm, giải quyết TNGT, truy bắt tội phạm.

Theo trung tá Huỳnh Tấn Nam - Đội trưởng Đội Chỉ huy giao thông và điều khiển đèn tín hiệu giao thông, Phòng CSGT Công an TP.Hà Nội, hiện mới chỉ có khoảng 60% trường hợp bị phạt nguội đến nộp tiền phạt. Nguyên nhân do thiếu chế tài cưỡng chế để buộc thực hiện nghiêm việc xử phạt nên người vi phạm cố tình trốn tránh như: Chuyển chỗ ở, bán phương tiện, cho rằng không biết, không nhận được thông báo xử phạt… Nguyên nhân khác là do vướng mắc trong việc xác định người vi phạm thực sự để xử phạt.

Một cán bộ CSGT chuyên trách việc xử phạt qua camera cho biết thêm, nhiều người thuê, mượn, mua bán nhưng chưa sang tên, đổi chủ phương tiện vi phạm. Khi camera giao thông phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng ra quyết định xử phạt nguội và gửi thông báo đến chủ sở hữu phương tiện, nhưng do chủ phương tiện không phải là người trực tiếp điều khiển phương tiện ở thời điểm vi phạm nên rất khó cưỡng chế.

Kiến nghị khắc phục bất cập

Trước tình trạng này, thượng tá Dương Đức Hải - Trưởng phòng CSGT, Công an TP.Hà Nội - cho hay, đơn vị đã kiến nghị lên Cục CSGT, Bộ Công an bổ sung việc xử phạt đối với chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên đổi chủ khi mua, bán phương tiện, nhằm nâng cao trách nhiệm các bên khi thực hiện giao dịch. Nếu xảy ra vi phạm bị xử phạt nguội, những phương tiện chưa làm thủ tục sẽ áp dụng xử phạt với cả người đứng tên đăng ký phương tiện, từ đó xử phạt nguội mới thực sự đủ sức răn đe. Về phía thành phố Hà Nội, các cơ quan chức năng sẽ tiếp tục tăng cường ứng dụng thiết bị công nghệ kỹ thuật vào giám sát, xử lý vi phạm.

Còn lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, Sở Giao thông-Vận tải Hà Nội khẳng định, Sở GTVT Hà Nội đang tiếp tục khảo sát các vị trí tiềm ẩn phức tạp về giao thông, đặc biệt là các khu vực bến xe và tuyến đường trọng điểm để tiến hành lắp đặt bổ sung camera theo dõi các phương tiện dừng, đỗ đón trả khách không đúng nơi quy định. Các dữ liệu này sẽ được chuyển tới cơ quan liên quan phục vụ công tác xử lý vi phạm.

Trước đó, từ ngày 1.6.2019, Cục CSGT, Bộ Công an và Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông-Vận tải đã đưa vào vận hành phần mềm quản lý vi phạm của lái xe và thông tin về phương tiện vi phạm để các cơ quan chức năng có thể sử dụng chung dữ liệu quản lý cũng như để người dân biết được thông tin xử phạt nguội.

Quy trình phạt nguội

- Lực lượng CSGT sẽ ghi hình các xe vi phạm trên đường, đồng thời phát hiện các xe vi phạm qua hệ thống giám sát tự động (camera và máy đo tốc độ).

- Hình ảnh sẽ được chuyển cho bộ phận trích xuất hình ảnh, trích xuất các trường hợp vi phạm. Mỗi trường hợp vi phạm phải đảm bảo đủ các yếu tố pháp lý gồm: Không gian vi phạm (địa điểm hoặc tuyến đường vi phạm); thời điểm vi phạm, lỗi vi phạm và biển số xe.

- CSGT sẽ in thông báo vi phạm thể hiện đầy đủ nội dung vi phạm gửi công an phường, xã, thị trấn, quận, huyện.

Công an địa phương chuyển thông báo vi phạm đến chủ xe và mời chủ xe tới trụ sở để nộp phạt.

Trường hợp chủ phương tiện không tự nguyện đóng phạt, CSGT sẽ thiết lập một phần mềm để tra cứu phương tiện vi phạm. Phần mềm này sẽ được tích hợp vào phần mềm xử lý hành chính tại các đơn vị mặt đường.

Khi phương tiện vi phạm luật giao thông và bị chặn lại kiểm tra, xử lý, CSGT sẽ nhập biển số xe vào phần mềm. Phần mềm này sẽ thông báo dữ liệu cho CSGT biết phương tiện có vi phạm qua hình ảnh trước đó hay không. Nếu có CSGT sẽ in ra thông báo và yêu cầu người vi phạm nộp phạt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn