MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một CSGT bị thương khi đang làm nhiệm vụ. Ảnh: Vietnamnet.

Dùng ghế sắt đánh CSGT: Cần phải xử lý hình sự để thượng tôn pháp luật

Cường Ngô LDO | 12/11/2017 14:25
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện những vụ việc liên quan đến văn hóa ứng xử không đúng mực của người vi phạm giao thông khi xúc phạm, thậm chí hành hung các chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ.

Hai ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến vụ nam tài xế chửi bới, hành hung CSGT ở Bình Dương vào ngày 11.11.

Trong khi đang làm nhiệm vụ điều tiết giao thông ở nút giao Mỹ Phước - Tân Vạn với ĐT 743, thiếu úy Vũ Đình Thanh thuộc Đội CSGT Công an thị xã Thuận An phát hiện ông Phạm Văn Giới lái ôtô bán tải lạng lách, chạy vào làn đường dành cho xe máy rồi bóp còi inh ỏi nên ra hiệu lệnh dừng xe.

Không những không chấp hành, người đàn ông này còn lớn tiếng chửi bới, túm cổ áo và đấm liên tiếp vào mặt chiến sĩ này. Khi thiếu úy Thanh vùng chạy ra ngoài thì ông Giới lao vào giật 2 điện thoại rồi ném xuống đường. Không dừng lại ở đó, ông Giới còn cầm ghế sắt đập vào tay trái của chiến sĩ cảnh sát giao thông gây thương tích.

Sự việc trên khiến nhiều người phẫn nộ, cho rằng một số công dân ngày càng coi thường luật lệ, văn hóa giao thông kém, đề nghị phải xử phạt thật nặng những người dân thiếu thượng tôn pháp luật.

Hiện trường sự việc. Ảnh: Ngọc An.

Chia sẻ với PV, luật sư Bùi Đình Ứng thuộc Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho hay, theo quy định của pháp luật, người tham gia giao thông có những hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của các chiến sĩ CSGT đang thi hành công vụ thì tùy theo mức độ của hành vi mà xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chống người thi hành công vụ.

Về xử phạt hành chính được quy định tại điểm B khoản 2 Điều 20 Nghị định 167 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội có quy định phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Nếu người tham gia tham gia giao thông có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ thì mức phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng, được quy định tại khoản 3 của nghị định nêu trên.

Trường hợp người tham gia giao thông có hành vi chống người thi hành công vụ thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 257, Bộ luật Hình sự năm 1999.

Thượng tá CSGT Nguyễn Văn Quỹ (nguyên tổ trưởng tổ xử lý, Đội CSGT số 1 (Công an TP Hà Nội) cho biết, trường hợp nhận thấy người vi phạm có thái độ không hợp tác, CSGT cần thông báo lực lượng cảnh sát 113 gần nhất đến hiện trường xử lý, hoặc thông tin ngay đến cấp trên để được hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho bản thân mình.

"Trong khu vực CSGT đang làm nhiệm vụ, nếu thấy đối tượng có dấu hiệu phạm luật, lực lượng CSGT phải có biện pháp cứng rắn xử lý để răn đe và kịp thời ngăn chặn những hành vi nguy hại cho chính bản thân CSGT và người tham gia giao thông".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn