MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định tố giác tội phạm đối với luật sư cần phải có đủ các yếu tố là biết rõ hành vi, có chứng cứ và nếu không tố giác sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội. Ảnh: P.V

Được phép giấu, chỉ một số tội mới phải tố giác

TRỊNH XUÂN - QUANG HÙNG LDO | 30/05/2017 06:17
Giới luật sư và những nhà làm chính sách đang có những tranh luận xung quanh Điều 19 và 389 của dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Hình sự 2015, trong đó quy định: “Người bào chữa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi không tố giác tội phạm đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội đặc biệt nghiêm trọng khác”.

Chỉ một số tội mới phải tố giác

Bình luận về vấn đề này với PV Báo Lao Động, Luật sư Lê Thị Hồng Lý - Văn phòng Luật sư số 6, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội - cho rằng: “Quy định này phải nhìn ở 2 chiều, không thể đúng 100% trong mọi trường hợp mà phải biến tấu đi. Sẽ có một số loại hình phải tố giác, như thân chủ mình chuẩn bị đặt bom mìn, khủng bố chẳng hạn thì sao lại không tố giác được? Cái này đã được quy định trong luật, nếu luật sư không tố giác thì luật sư sẽ trở thành người vi phạm pháp luật. Cái này bắt buộc phải tố giác, không thể không tố giác được. Nếu quy định không được tố giác trong tất cả các trường hợp là hoàn toàn sai, không đúng”.

Trong một số trường hợp, lấy ví dụ như thân chủ ăn trộm, ăn trộm rất nhiều lần, nhưng luật sư chỉ được phép nói về vấn đề đấy, còn những việc khác thân chủ khai với luật sư, luật sư không được phép nói ra, cụ thể là những cái ngoài cuộc không được phép nói. Cụ thể hơn chẳng hạn, thân chủ nói: “Tôi đã ăn trộm rất nhiều lần, tôi có rất nhiều lần cố ý gây thương tích”, luật sư cũng không được đứng giữa tòa nói thân chủ tôi đã từng thế nọ, đã từng thế kia... Những cái này phải hoàn toàn giữ bí mật cho “khách hàng”. Quy định luật sư tố giác hay không tố giác thân chủ là ở góc độ này.

Nghề luật sư sẽ bị “tẩy chay”?

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định tại Điều 19 của dự thảo Luật là xung đột với Điều 9 của Luật Luật sư trong việc tố giác thân chủ của luật sư. Ông Thịnh băn khoăn: Trường hợp luật sư tố giác tội phạm thì chính thân chủ đó có mời luật sư nữa hay không, xã hội có tẩy chay nghề luật sư, nghề luật sư có điều kiện tồn tại hay không khi niềm tin của khách hàng và xã hội vào nghề luật sư có nguy cơ sẽ mất dần và thui chột?

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đại biểu Quốc hội Đỗ Ngọc Thịnh. Ảnh: T.K

Ông Đỗ Ngọc Thịnh cho biết, theo kinh nghiệm pháp luật một số nước như Mỹ, Nhật, Đức cho thấy, trong trường hợp luật sư biết được thân chủ chuẩn bị thực hiện tội phạm và lên kế hoạch thực hiện tội phạm thì phải báo cho cơ quan nhà nước và giới hạn ở một số tội đặc biệt nghiêm trọng như tội khủng bố, lật đổ chính quyền. Đối với những tội đã thực hiện rồi thì luật sư có quyền miễn trừ và trách nhiệm điều tra tội phạm thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan điều tra. Ông kiến nghị, trong tình hình thực tiễn hiện nay của Việt Nam, quy định của Điều 19 nên giới hạn ở khoảng 20 đến 30 tội buộc phải có trách nhiệm tố giác tội phạm gồm tội đặc biệt nghiêm trọng hay các tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Thay “tố giác” bằng “tiết lộ”

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa (TP. Hồ Chí Minh) phân tích, quan hệ luật sư và thân chủ là một trong những quan hệ cơ bản của hệ thống tư pháp, tạo ra sự cân bằng, tạo điều kiện nhằm bảo đảm công lý, quyền con người. Xuất phát từ Công ước Quyền con người mà Việt Nam là thành viên, Liên Hiệp Quốc ban hành Nghị quyết về quan hệ giữa luật sư và người được bào chữa, trong đó có quy định các nhà nước phải có trách nhiệm tạo điều kiện để luật sư bảo vệ các bí mật giữa luật sư và thân chủ.

Pháp luật một số nước chỉ yêu cầu tiết lộ thông tin đối với những hành vi đang diễn ra, chuẩn bị diễn ra, sẽ diễn ra. Đối với những tội đã diễn ra không buộc luật sư phải tố giác. Trong khi đó, Điều 19 của dự thảo Luật có quy định không miễn trừ những hành vi đang và sẽ diễn ra; đối với những hành vi đã diễn ra có giới hạn ở một số tội. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, quy định tố giác tội phạm đối với luật sư cần phải có đủ các yếu tố là biết rõ hành vi, có chứng cứ và nếu không tố giác sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội

Đại biểu này đề xuất: Khi luật sư biết rõ, có chứng cứ về việc thân chủ của mình chuẩn bị phạm tội mà hành vi phạm tội đó sẽ dẫn đến hậu quả nguy hiểm cho xã hội thì phải tiết lộ thông tin! Bởi theo ông, “cái chữ tố giác rất là nguy hiểm”! Huống chi “ông luật sư đi tố giác chính cái người mình bào chữa, sau này tòa xử người ta không phạm tội thì sao”!

 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn