MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kiểm tra cơ sở kinh doanh bán "hàng xách tay" qua livestream tại Đồng Nai ngày 22.2. Nguồn: Công an Đồng Nai

Đường đi của “hàng ngoại xách tay” được rao bán livestream

MINH CHÂU LDO | 24/02/2021 09:21

Ngày 23.2, Công an TP.Biên Hoà (Đồng Nai) đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý hàng chục nghìn sản phẩm ngoại nhập lậu (trị giá hàng tỉ đồng), nhưng không hoá đơn chứng từ.

Kho hàng ngoại nhập lậu “khủng” ngay quốc lộ 1

Ngày 22.2, Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP.Biên Hòa kiểm tra cơ sở kinh doanh trong một nhà xưởng nằm ngay quốc lộ 1 - do ông Đào Doãn Dự (49 tuổi), địa chỉ 158/7, khu phố 5B, phường Tân Biên làm chủ.

Qua kiểm tra, công an phát hiện bên trong kho xưởng rộng 600m2 có 20 người đang thực hiện bán hàng bằng hình thức livestream qua mạng xã hội facebook và chốt đơn hàng. Kiểm tra bên trong kho hàng, lực lượng chức năng phát hiện có hàng chục nghìn sản phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng khác nhau, như mỹ phẩm, dược phẩm, quần áo, giày dép, đồng hồ, mắt kính… với tổng trị giá hàng tỉ đồng.

Tại thời điểm làm việc với lực lượng Công an, ông Dự không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của số hàng hóa trên. Bước đầu, ông Dự cho biết, toàn bộ hàng hóa tại kho được chuyển từ Mỹ về Việt Nam. Đây là số hàng do khách hàng tại Việt Nam đặt từ trang facebook Shop Mơ Đào do bà Đào Thị Thanh Mơ (chị ruột của ông Dự) livestream bán hàng trực tiếp từ Mỹ.

Theo tìm hiểu của PV báo Lao Động, trang facebook Shop Mơ Đào là một địa chỉ mua bán “hàng Mỹ xách tay” rất nổi tiếng và được nhiều người quan tâm. Trang Facebook này thường tổ chức bán hàng livestream qua Facebook với nhiều sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng quốc tế. Mỗi lần tổ chức livestream qua Facebook, trang này có hàng nghìn lượt người xem. Để tăng lượt người xem, trang này còn đưa các chương trình khuyến mãi, tặng sản phẩm cho những người xem có nhiều lượt xem, lượt share nhất…

Sau khi công an vào cuộc, trên cộng đồng mạng cũng tỏ ra hoang mang về chất lượng sản phẩm.

Đường đi của “hàng Mỹ xách tay” vào Việt Nam

Trao đổi với PV báo Lao Động, ông Trần Quang Khải, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai - cho biết: Hiện nay theo Nghị định 98 của Chính phủ mức xử phạt đối với hàng ngoại nhập lậu là rất “nặng tay”, nhưng vẫn đang xảy ra, đặc biệt là các hoạt động buôn bán trên các trang mạng điện tử cá nhân, bán hàng online… gây ra nhiều rủi ro cho người tiêu dùng.

Theo Cục quản lý thị trường tỉnh Đồng Nai, “hàng ngoại xách tay” được hiểu là hàng nhập lậu qua rất nhiều nguồn, không được nhập khẩu chính thức, không qua thủ tục hải quan, có thể đi qua đường biên giới nhưng không làm giấy tờ và tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đối với những điểm bán với số lượng lớn lên tới hàng chục nghìn sản phẩm thì có thể xác định 3 nguồn vào chủ yếu gồm: Lợi dụng các tờ khai đưa vào cả nghìn sản phẩm vào, nhưng trong tờ khai chỉ khai báo chỉ khoảng 100 sản phẩm; Nhập lậu từ biên giới về qua đường tiểu ngạch mà không thông qua hải quan - nên mới có số lượng lớn; Nguồn thứ ba là từ những người đi du lịch, đi lao động "xách tay" về.

“Ngoài ra, không loại trừ khả năng các sản phẩm trên được sản xuất trong nước “nhái” thương hiệu, hoặc hàng hết date lại sửa lại date chuyển sang thành hàng ngoại xách tay để bán cho người tiêu dùng. Chúng tôi cũng đã từng xử lý trường hợp tương tự bán quần áo, mỹ phẩm như vậy” - ông Khải chia sẻ.

Đối với việc xử lý các sản phẩm hàng ngoại nhập lậu, Cục quản lý thị trường Đồng Nai cho biết, cũng gặp nhiều khó khăn do khi kiểm tra phải có quyết định kiểm tra và khi phát hiện phải khẳng định đang chứa hàng thì mới xin lệnh khám.

“Nếu là người dân “thông thái” nên mua hàng hoá tại các địa chỉ kinh doanh rõ ràng, hàng hoá nhập khẩu có đầy đủ nhãn mác, có hoá đơn chứng từ” - ông Khải nói.

Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP: Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hành vi kinh doanh hàng hoá nhập lậu, đối với cá nhân mức phạt từ 500.000 đồng - 50 triệu đồng, đối với tổ chức từ 1 triệu đồng - 100 triệu đồng, theo giá trị hàng hoá…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn