MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Nguyễn Phương Hằng. Ảnh: CACC

Ekip thực hiện livestream có vô can khi bà Nguyễn Phương Hằng bị bắt?

Quang Việt LDO | 25/03/2022 14:26
Chuyên gia cho rằng, ngoài việc bắt tạm giam bà Nguyễn Phương Hằng, cơ quan công an cũng cần làm rõ những người liên quan thực hiện các buổi livestream phát tán thông tin không kiểm chứng, dùng từ ngữ nhục mạ, xúc phạm người khác.

Như Lao Động đưa tin, Công an TPHCM vừa bắt tạm giam bị can Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".

Theo cơ quan công an, bà Hằng đã lợi dụng sức ảnh hưởng của bản thân, sử dụng chức năng của mạng xã hội, tổ chức nhiều buổi livestream nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác. Trong đó, bị can sử dụng những ngôn từ mang tính nhục mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác.

Theo dõi vụ việc, ông Nguyễn Văn Tiến - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, ngoài khởi tố, điều tra làm rõ hành vi của bà Hằng, cơ quan công an có thể mở rộng vụ án.

Theo luật sư, quá trình điều tra, nhà chức trách nếu thấy hành vi của bà Nguyễn Phương Hằng có tính tổ chức thì có thể điều tra, xác minh làm rõ thêm vai trò của những người liên quan.

Khi đủ căn cứ, cơ quan điều tra sẽ có các biện pháp tố tụng đối với người liên quan. Nếu bị xác định là người giúp sức cho bà Hằng thực hiện hành vi phạm tội, những người này có thể bị xem xét với vai trò đồng phạm.

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng sẽ đánh giá, xem xét ekip của bà Hằng có mức độ đồng phạm đến đâu, tham gia nhiều hay ít và vai trò giúp sức ra sao để đưa ra kết luận.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư Hà Nội), cũng cho rằng cơ quan điều tra cần làm rõ vai trò liên quan của những người trong ekip này.

Qua thu thập chứng cứ và tài liệu liên quan, nhà chức trách có thể làm rõ ai đã thu thập các nội dung thông tin không kiểm chứng, liên quan đến đời tư của người khác để bà Hằng phát ngôn trên mạng.

Bên cạnh đó, cơ quan điều tra cũng sẽ đánh giá những hệ lụy mà hành vi của bà Hằng gây ra đối với xã hội, với Nhà nước, với các tổ chức cá nhân để làm căn cứ giải quyết vụ án.

Theo luật sư Cường, nhiều buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng đã tiết lộ thông tin về tài khoản ngân hàng, cuộc sống đời tư của một số cá nhân. Ông Cường cho rằng ekip của bà Hằng đã thu thập, sử dụng trái phép và đưa các thông tin này lên mạng xã hội.

Do đó, ngoài khởi tố bà Hằng về tội danh trên, cơ quan điều tra có thể xem xét dấu hiệu của các hành vi vu khống, làm nhục người khác hay đưa, sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Khoảng một năm trước, bà Nguyễn Phương Hằng tố ông Võ Hoàng Yên đã lợi dụng lòng tin để chiếm đoạt số tiền hơn 100 tỉ đồng. Trong đơn, bà Hằng cho rằng trước đó, do cảm kích nên đã chuyển nhiều khoản tiền cho ông Yên để ông này trả nợ và làm thiện nguyện.

Sau ông Yên, bà Hằng còn nhiều lần lên mạng xã hội để livestream, tố một số nghệ sĩ như danh hài Hoài Linh, ca sĩ Thủy Tiên, MC Trấn Thành... chưa minh bạch khi làm từ thiện. Sau đó, bà Hằng làm đơn tố cáo họ gửi đến Công an TPHCM, Bộ Công an.

Quá trình điều tra xác minh, Công an TP.HCM ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự đối với đơn tố Võ Hoàng Yên. Công an địa phương này cũng khẳng định nghệ sĩ Hoài Linh không ăn chặn tiền từ thiện như đơn của bà Hằng tố cáo.

Bộ Công an cũng xác định số tiền các nghệ sĩ nhận được ít hơn số tiền họ bỏ ra để làm từ thiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn