MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Giá đất ở ven đô bị đẩy lên cao. Ảnh: Hiếu Anh

Giá như đừng có những cơn sốt đất

Hiếu Anh LDO | 03/12/2022 06:30

Nếu những cơn sốt đất không kéo đến, giá đất đừng tăng chóng mặt, nhiều gia đình vẫn giữ được tình anh em.

Mấy ngày hôm nay, anh Vũ Trọng Linh, ở Hà Nội chạy đi khắp nơi nhờ tư vấn cho đương sự là bố vợ mình.

Anh Linh ngậm ngùi kể, bố vợ anh là ông Đ.H.Đ có người anh trai là Đ.V.T cùng những người chị em gái vốn sống rất hòa thuận ở miền quê xã Vân Phúc, huyện Phúc Thọ, Thành phố Hà Nội.

Bố mẹ của ông Đ mất đi để lại mảnh đất ven đê rộng 4 sào bắc bộ (gần 1.500m2). Sau này, gia đình đã thống nhất chia cho ông Đ.V.T (anh cả) 3 sào đất, ông Đ nhận 1 sào đất.

Do ông Đ lập nghiệp xa ở huyện Ba Vì nên nhờ gia đình anh trai thăm nom mảnh đất. Ông T có trồng trước phần đất của ông Đ vài cây mít.

Gần đây, giá đất ở Hà Nội nhất là ở huyện ven đô tăng chóng mặt, 1 sào đất của ông Đ có giá gần 7 tỉ đồng.

Vì không có nhu cầu để ở, ông Đ về bàn với gia đình bán mảnh đất này đi. Thế nhưng vì vướng mấy cây mít của người anh trai nên đất không có đường vào.

Khi ông Đông đề nghị anh trai chặt mấy cây mít, thì người anh trai bất ngờ đề xuất “cái giá” để chặt 5 cây mít là 200 triệu đồng.

Câu chuyện lời qua tiếng lại đến mức 2 gia đình giờ đây không thể nhìn mặt nhau. Anh Linh thật thà tâm sự: “Giá như đất đừng tăng giá quá cao, đừng khoét sâu vào lòng tham của con người, có lẽ giờ đây anh em ông Đ, ông T vẫn còn hòa thuận. Để mỗi lần về quê có anh có em sum vầy”.

Các làng quê ven đô lên cơn sốt đất. Ảnh: Hiếu Anh

Không chỉ có gia đình ông Đ, ông T, câu chuyện giá đất tăng cao xé nát các mối quan hệ gia đình ở làng quê dường như trở thành phổ biến.

Hai bà T.T.S, T.T.X, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) kể lại câu chuyện của gia đình mình. Năm 1960, chính quyền địa phương đã thực hiện chia đất phần trăm.

Theo đó, gia đình hai bà S, X cùng bố mẹ được chia một mảnh đất gần 300m2 tại xã Tam Hiệp. Sau này, gia đình có thêm 2 người con là T.H.S (SN 1963), T.T.X (SN 1966). Hai người này không có tên trên mảnh đất được cấp năm 1960, do sinh sau thời gian này.

Bố mẹ bà S, bà X qua đời khi các con còn nhỏ. Bà S kể lại: “Lúc này, 4 chị em chúng tôi bơ vơ trong cảnh không còn cha mẹ. Nhìn cảnh hai em gầy guộc ốm yếu, bụng lúc nào cũng đói, chúng tôi không ngại cực khổ, ngày đêm làm lụng để mong có đủ bữa cơm no cho hai em”.

Cứ như vậy, vừa làm chị vừa làm mẹ, các bà quên mình chăm lo cho hai em khôn lớn thành người. Năm tháng trôi qua, theo mong muốn của em trai, năm 1984, hai bà làm lễ cưới cho ông S với cô Đ.T.L. Sau khi em trai lấy vợ, hai bà mới yên tâm nghĩ đến hạnh phúc của riêng mình. Thế nhưng năm 1996, ông T.H.S không may qua đời do tai nạn giao thông.

Mới đây, hai bà S, X tá hỏa phát hiện, mảnh đất phần trăm của gia đình trước đây đã được UBND huyện Phúc Thọ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho bà Đ.T.L.

Trao đổi với phóng viên, bà T.T.S  buồn rầu cho biết, mảnh đất phần trăm vốn nằm ở góc làng không có giá trị nên trước đây không ai để ý. Thế nhưng, giờ giá đất làng nghề tăng chóng mặt, mảnh đất của gia đình có giá hàng tỉ đồng. Có lẽ vì vậy, mà người em dâu bất chấp đạo lý, bất chấp tình thân. Vụ việc đã được khởi kiện ra tòa án nhân dân huyện Phúc Thọ đang chờ được thụ lý”.

Thế nhưng, kết quả pháp lý dù có thế nào thì trên phương diện đạo đức, tình cảm, không ai thắng cuộc trong những vụ việc tranh chấp như thế này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn