MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phiên họp thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Ảnh: Bộ Tư pháp

Giám sát điện tử người chấp hành án hình sự tại cộng đồng

TRÍ MINH LDO | 07/09/2024 15:14

Ngày 7.9, thông tin từ Bộ Tư pháp cho biết, các bộ ngành vừa có ý kiến thẩm định đề nghị xây dựng dự án Luật Thi hành án hình sự (THAHS) sửa đổi.

Bộ Công an - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, bên cạnh kết quả đạt được, Luật THAHS năm 2019 đã bộc lộ những khó khăn, vướng mắc. Điển hình như công tác THAHS tại cộng đồng chưa được đổi mới, chủ yếu vẫn thực hiện theo phương thức “thủ công”.

Góp ý về vấn đề này, phía Bộ Quốc phòng nhất trí việc sửa đổi Luật THAHS (sửa đổi) là cần thiết, đặc biệt là phải đổi mới, thay đổi phương thức quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án hình sự tại cộng đồng (người được tha tù trước thời hạn có điều kiện, người chấp hành án treo, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, người chấp hành án phạt cấm cư trú, người chấp hành án phạt quản chế) từ phương pháp thủ công truyền thống sang ứng dụng khoa học kỹ thuật như giám sát điện tử.

Bên cạnh đó, hiện việc xây dựng cơ sở giam giữ phạm nhân tại Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chưa có quy chuẩn chung.

Do đó, để đảm bảo sự thống nhất, an toàn, an ninh, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu xây dựng mẫu thiết kế mô hình cơ sở giam giữ phạm nhân, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho công trình thuộc mô hình này.

Phía Toà án Nhân dân tối cao cũng nhất trí việc bổ sung biện pháp giám sát điện tử đối với người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

Tuy nhiên, đại diện Toà án Nhân dân tối cao đề nghị làm rõ căn cứ nào để xác định số lượng là 600 đối tượng được áp dụng biện pháp giám sát điện tử; đồng thời tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế trong việc xác định đối tượng chi trả kinh phí khi thực hiện biện pháp giám sát này.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh cho biết đây là nội dung mới, đòi hỏi chi phí đầu tư, vận hành lớn. Vì vậy, cần đánh giá kỹ nguồn nhân lực, tài chính để đảm bảo triển khai hiệu quả; nếu cần thiết có thể học hỏi, tham khảo thêm kinh nghiệm của quốc tế về phạm vi, cơ chế, đối tượng áp dụng…

Luật THAHS số 41/2019/QH14 được Quốc hội khoá XIV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14.6.2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2020. Qua 4 năm triển khai thực hiện, công tác THAHS từng bước đi vào nền nếp, thống nhất, nghiêm minh, chặt chẽ, các quyền và chế độ của phạm nhân được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, góp phần phục vụ có hiệu quả công tác điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và thể hiện được chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn