MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
3 đối tượng đã "hô biến" điểm thi của thí sinh ở Hòa Bình.

Gian lận điểm thi Hòa Bình: Người đưa tiền có phạm tội hối lộ?

Anh Tuấn LDO | 14/03/2019 15:22
Nhiều người cho rằng, người đưa tiền để cán bộ sửa điểm thi THPT Quốc gia năm 2018 tại Hòa Bình có dấu hiệu tội "Đưa hối lộ". Liên quan vấn đề này, các chuyên gia pháp lý đã đưa ra quan điểm của mình.

Liên quan vụ án gian lận sửa điểm thi tại Hòa Bình, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị VKSND Tối cao truy tố 3 đối tượng liên quan về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Theo kết quả điều tra, trong 3 đối tượng trên, Đỗ Mạnh Tuấn (40 tuổi, Phó Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú THCS và THPT huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) đã thừa nhận được hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng.

Nhiều người đặt ra những câu hỏi, việc ông Tuấn hưởng lợi bất chính 550 triệu đồng để sửa điểm thi có còn là "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" hay đã chuyển thành tội "Đưa, nhận hối lộ"; và những người đưa tiền có phạm tội?

Bảng so sánh điểm thi cao của Hòa Bình và một số tỉnh, thành khác. Ảnh: Nguyễn Văn Tuấn.

Về việc này, trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, điểm khác nhau để phân biệt hai tội danh này là yếu tố vụ lợi.

Tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn" có thể không liên quan đến yếu tố vụ lợi. Nghĩa là, người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để làm sai, nhưng có thể người này không tư lợi cá nhân.

Còn tội "Nhận hối lộ", chắc chắn có tư lợi cá nhân. Nghĩa là, người có chức vụ, quyền hạn nhận một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất nào đó, làm theo yêu cầu của phía bên kia, trái quy định của pháp luật.

Theo luật sư Ứng, trong vụ án này, cơ quan An ninh điều tra cần làm rõ số tiền 550 triệu đồng mà ông Tuấn hưởng lợi bất chính từ việc nâng điểm được giải quyết thế nào.

Nếu cơ quan chức năng trả lại tiền cho người đưa tiền để nhờ nâng điểm, đồng nghĩa đã thừa nhận hành vi chạy điểm là không trái pháp luật. Điều này, theo luật sư "không thể chấp nhận được".

Còn trường hợp số tiền ông Tuấn hưởng lợi bất chính phải tịch thu, sung công quỹ nhà nước, đương nhiên, hành vi của người đưa tiền vi phạm pháp luật.

Nếu cơ quan điều tra xác định đây là hành vi "Đưa hối lộ" thì hành vi của người nhận không phải tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", mà chuyển hóa thành tội "Đưa và nhận hối lộ".

"Đây là vụ việc rất phức tạp, do đó, cần thận trọng đánh giá một cách khách quan, đảm bảo việc xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật", luật sư nói.

Luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, từ kết quả điều tra của cơ quan An ninh điều tra, có thể thấy các cán bộ giáo dục ở Hòa Bình đã có động cơ tư lợi, có dấu hiệu tội “Nhận hối lộ”.

Chính vì vậy, nếu phụ huynh học sinh, người thân của họ trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn lợi ích vật chất như tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2 triệu đồng trở lên, để người đó làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, cũng có thể xem xét xử lý hình sự tội “Đưa hối lộ” nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn