MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Giới thiệu là giám đốc để chiếm đoạt tiền tỉ của người muốn sang Nhật Bản

Việt Dũng LDO | 25/10/2022 10:58
Hà Nội - Phạm Tiến Dũng nói dối với những người muốn sang Nhật Bản lao động bản thân anh ta làm giám đốc, để thu tiền và chiếm đoạt tiền tỉ.

Viện KSND Hà Nội vừa hoàn tất cáo trạng truy tố Phạm Tiến Dũng (30 tuổi, ở huyện Tiên Du, Bắc Ninh) về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Theo cáo trạng, Dũng làm nghề môi giới xuất khẩu lao động tự do. Khoảng tháng 4.2019, Dũng đến Trung tâm đào tạo Nhật Ngữ Pháp Vân do một Công ty thành lập và hoạt động.

Tại trung tâm, Dũng giới thiệu với những người làm môi giới xuất khẩu lao động và người muốn đi xuất khẩu lao động mình là giám đốc, quản lý trung tâm.

Dũng đưa ra thông tin gian dối là có đơn hàng chế biến thực phẩm (cơm hộp) tại tỉnh Saitama, Nhật Bản và đơn hàng đóng gói công nghiệp tại tỉnh Kumamoto, Nhật Bản nên đang cần tuyển lao động.

Để người lao động tin tưởng, Dũng đưa họ đến thi tuyển tại cơ sở ở thị trấn Đông Anh, Hà Nội. Sau đó, Dũng báo cho họ đã đỗ đơn hàng và yêu cầu người lao động nộp tiền chi phí xuất khẩu.

Đến tháng 9.2019, Trung tâm đào tạo Nhật ngữ đóng cửa, Dũng báo một số lao động về nhà chờ ngày đi xuất khẩu, số còn lại đến số 93 phố Thiên Hiền, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội học tiếng Nhật.

Nhóm này học tiếng Nhật đến tháng 11.2019 thì kết thúc, người lao động chờ ngày đi xuất khẩu. Nhưng bẵng đi một thời gian, họ không thấy thông báo nên hỏi thì Dũng viết cam kết cho 9 lao động xuất khẩu vào tháng 1.2020 và tháng 3.2020.

Sau đó, Dũng lại báo với người lao động là đơn hàng bị hủy. Dũng viết cam kết đến tháng 3.2020, sẽ hoàn trả toàn bộ số tiền đã nhận cho người lao động. Tuy nhiên, Dũng chỉ trả lại được một phần tiền cho người lao động, số tiền còn lại đối tượng chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân.

Trong số các bị hại có anh Trần Đức L (22 tuổi, ở Hà Tĩnh) được bạn giới thiệu đến Trung tâm Nhật ngữ Pháp Vân có tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Tại đây, anh L được Dũng giới thiệu tư vấn đơn hàng đi lao động tại Nhật Bản, thủ tục bắt buộc là học tiếng Nhật thời gian 4 tháng, cam kết bao thi tuyển đỗ và sẽ làm thủ tục sang Nhật với chi phí 160 triệu đồng.

Theo yêu cầu của Dũng, anh L đã nộp 10 triệu đồng để thi tuyển đơn hàng đóng gói công nghiệp. Sau đó, bị hại tiếp tục chuyển khoản 80 triệu đồng. Anh L học tiếng Nhật xong thì Dũng báo nghỉ chờ ngày đi nhưng quá thời hạn, anh L biết đơn hàng bị hủy.

Mặc dù Dũng hứa hẹn sẽ trả lại tiền nhưng đến nay vẫn chưa trả lại. Hiện anh L đã đi xuất khẩu lao động Đài Loan nên ủy quyền cho mẹ tham gia giải quyết vụ việc. Gia đình anh L yêu cầu Dũng bồi thường theo quy định pháp luật.

Một trường hợp khác là anh Quản Ngọc A (23 tuổi, ở Phú Thọ) bị Dũng chiếm đoạt số tiền 110 triệu đồng. Thông qua quan hệ xã hội, anh A gặp Dũng và chị Lê Thị Xuân (35 tuổi, ở Thanh Hóa) để làm thủ tục xuất khẩu lao động sang Nhật Bản.

Anh A đã nộp cho chị Xuân 110 triệu đồng. Chị Xuân đã đưa tiền cho Dũng. Do Dũng không làm thủ tục cho anh A đi xuất khẩu nên đã chị Xuân đã giới thiệu A đến làm thủ tục tại một công ty khác.

Theo cơ quan tố tụng, tổng số tiền Dũng chiếm đoạt của các bị hại là hơn 1,2 tỉ đồng. Hiện bị can mới khắc phục một phần thiệt hại, còn chiếm đoạt gần 486 triệu đồng.

Theo cơ quan công tố, anh M - Giám đốc trung tâm trên khai thuê Dũng quản lý phòng, trang thiết bị và hướng dẫn tiếng Nhật Bản cơ bản cho các lao động tại trung tâm và trả công 8 triệu đồng/tháng.

Khoảng tháng 6.2019, anh M thấy nhiều lao động tại trung tâm và hỏi thì được Dũng cho biết họ đã trúng tuyển đơn hàng đi xuất khẩu một công ty khác và gửi học tiếng Nhật Bản cơ bản.

Theo cơ quan chức năng anh M không đồng phạm với Dũng về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn