MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đoàn công tác Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội kiểm tra, đôn đốc tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ vào tháng 4.2023. Ảnh: Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội.

Gỡ vướng chậm thi hành án dân sự, đảm bảo nghiêm minh pháp luật

TRÍ MINH LDO | 04/01/2024 15:14

Theo chuyên gia pháp lý, cần có những biện pháp mạnh tay để xử lý hiệu quả tình trạng không chấp hành thi hành án. Song song với đó, cơ quan chức năng có thể cân nhắc tăng mức xử phạt đối với hành vi không chịu thi hành án.

Trây ỳ không chấp hành bản án

Vừa qua, như Lao Động đã phản ánh về trường hợp một người dân tại TP Hà Nội, dù đã có quyết định của tòa án và cơ quan thi hành án dân sự nhưng vẫn rất khó khăn để nhận lại tài sản của mình.

Theo đó, TAND huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ đã có các quyết định nêu rõ, bà Đỗ Thị Thu Hà phải trả lại cho ông N.V.H số tiền 975 triệu đồng. Nhưng sau các quyết định của cơ quan chức năng, người phải thi hành án vẫn không có động thái chấp hành.

"3 kỳ trả tiền và 3 lần tôi gửi giấy đòi nợ (lần 1 ngày 8.12.2023; lần 2 ngày 15.12.2023 và lần 3 ngày 22.12.2023) bà Hà chưa trả tôi một khoản tiền nào" - ông N.V.H cho hay.

Dù có quyết định thi hành án của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Chương Mỹ nhưng người phải thi hành án vẫn không thực hiện. Ảnh: Trí Minh.

Nhiều vụ người phải thi hành án tỏ ra trây ỳ, thậm chí chống đối việc thi hành án, chỉ đến khi bị khởi tố hình sự mới chấp hành.

Điển hình như cuối tháng 4.2023 vừa qua, Công an TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Đ.T.K (36 tuổi) về tội không chấp hành án.

Tháng 9.2022, ông K và vợ ly hôn, tòa án quyết định giao cháu A (10 tháng tuổi, con chung của hai vợ chồng) cho vợ ông K nuôi dưỡng. Tuy nhiên, ông K cương quyết không chịu thi hành án.

Hay vào tháng 5.2022, Công an huyện Long Mỹ (Hậu Giang) cũng khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông N.V.C (70 tuổi) về tội không chấp hành án.

Năm 2016, theo bản án của tòa, ông C phải giao trả cho bà N.T.B hơn 7.000m2 đất lúa. Mặc dù cơ quan thi hành án đã có thông báo, niêm yết công khai, chính quyền nhiều lần vận động, giải thích nhưng ông C cố tình không thực hiện. Hơn một năm sau, cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế đối với ông C, khi đoàn công tác vừa rút về thì ông này lại nhổ cọc cắm mốc ranh đất, tiếp tục bao chiếm canh tác.

Ngày 4.1, trao đổi với PV Báo Lao Động, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, cần có những biện pháp mạnh tay để xử lý tình trạng không chấp hành thi hành án. Song song với đó, cơ quan chức năng có thể cân nhắc tăng mức xử phạt đối với hành vi không chịu thi hành án. Hiện nay, mức phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một số hành vi như: Không thực hiện công việc phải làm theo bản án, quyết định, trì hoãn thực hiện nghĩa vụ thi hành án trong trường hợp có điều kiện thi hành án... được cho vẫn còn khá thấp.

Xử lý nghiêm hành vi vi phạm

Bên cạnh yêu tố trây ỳ từ người phải thi hành án, một số ý kiến cho rằng cũng cần nâng cao trách nhiệm của chấp hành viên cơ quan thi hành án.

Trước đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã yêu cầu Cục trưởng Thi hành án dân sự cấp tỉnh tập trung kiểm tra 100% hồ sơ đang tổ chức thi hành của từng chấp hành viên, trường hợp hồ sơ chậm thực hiện thì phải khắc phục ngay; thống kê chính xác số lượng vụ việc, làm rõ nguyên nhân, có giải pháp nhằm kéo giảm, thu hẹp dần lượng việc chuyển kỳ sau, nghiêm cấm tình trạng "quên việc, bỏ hồ sơ".

Trên cơ sở báo cáo của các cục, Tổng cục sẽ nghiên cứu, thẩm tra và tổ chức kiểm tra trực tiếp đơn vị kết quả đạt thấp, chưa đáp ứng yêu cầu, lượng việc chuyển kỳ sau còn nhiều và có biện pháp xử lý nghiêm khắc đối với những trường hợp bỏ hồ sơ, không tác nghiệp hoặc chậm thi hành án do nguyên nhân chủ quan của chấp hành viên; xem xét trách nhiệm đối với cục trưởng nếu buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm, tồn tại, yếu kém.

Đồng thời, mới đây, trong công văn về việc triển khai thực hiện công tác năm 2024, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự các tỉnh, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá, xây dựng kế hoạch để tổ chức thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành án, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, các vụ việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn