MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hiện trường tài xế xe tải gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh: Cục CSGT

Góc nhìn pháp lý vụ tài xế bỏ trốn sau khi tông tử vong người đi bộ trên cao tốc

Bảo Nguyên LDO | 17/07/2023 18:49

Theo luật sư, cả hành vi đi bộ vào đường cao tốc và tài xế ôtô bỏ chạy sau khi xảy ra tai nạn đều vi phạm Luật Giao thông đường bộ.

Đội Tuần tra kiểm soát giao thông đường bộ cao tốc số 1, Phòng hướng dẫn TTKS giao thông đường bộ, Cục CSGT (Bộ Công an) đang phối hợp cùng Cơ quan CSĐT Công an huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ), điều tra nguyên nhân vụ tài xế xe tải BKS 21C-073.58 gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy trên tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai.

Hiện cơ quan công an đang làm việc với tài xế Đinh Quang Đ. (sinh năm 1999, ở thôn 5, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái). Tài xế Đ là người điều khiển xe tải đâm tử vong người đi bộ trên cao tốc.

Trước đó chiều 16.7, Đ điều khiển xe tải BKS 21C-073.58 đã va chạm với chị Nguyễn Thị T.N (SN 1979 trú tại thị trấn Cẩm Khê) đang đi bộ bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến nạn nhân tử vong.

Sau khi gây tai nạn, nam tài xế đã lái xe rời khỏi hiện trường. Nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã tổ chức truy tìm và bắt giữ Đinh Quang Đ. vào tối cùng ngày.

Trao đổi với PV Báo Lao Động về tình huống pháp lý vụ tai nạn nêu trên, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết, hành vi lái xe bỏ trốn khỏi hiện trường của tài xế xe tải đã vi phạm điểm b, khoản 1, Điều 38, Luật Giao thông đường bộ quy định. Theo đó, tài xế ô tô phải có trách nhiệm ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi lực lượng chức năng đến.

Trừ trường hợp tài xế ôtô cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu, hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng thì có thể rời đi, nhưng sau đó phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất.

“Người gây tai nạn chỉ có ba lựa chọn: Ở lại hiện trường, đến cơ sở y tế hoặc đến cơ quan công an. Nếu người gây tai nạn không có mặt tại một trong ba địa điểm trên thì hoàn toàn có thể bị quy kết là bỏ trốn”, luật sư Nghĩa phân tích.

Trong trường hợp để xảy ra hậu quả nghiêm trọng vì hành vi bỏ trốn này, người gây tai nạn phải đối diện với hình phạt tù theo điểm c, khoản 2, Điều 260, Bộ luật Hình sự "Bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn" với mức phạt từ 3-10 năm tù.

"Với việc bỏ trốn và cố ý không cứu giúp người đi bộ bị nạn, kể cả tài xế có đi đúng luật thì vẫn có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự", luật sư Nghĩa nêu quan điểm.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Giám đốc Hệ thống dịch vụ pháp lý toàn quốc Luật sư X). Ảnh: Bảo Nguyên

Chia sẻ thêm về vụ việc, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, đường cao tốc dành riêng cho xe cơ giới và nghiêm cấm người đi bộ, đi xe đạp, xe máy đi vào.

Nếu người đi bộ đi vào đường cao tốc đột ngột, ở góc khuất, tầm quan sát hạn chế khiến những tài xế ô tô trên đường cao tốc không phát hiện ra, không kịp xử lý thì lái xe không có lỗi, kể cả hậu quả vụ tai nạn làm chết người.

Tài xế ôtô chỉ được coi là có lỗi, có thể xem xét một phần trách nhiệm khi người đi bộ (hoặc đi xe đạp, xe máy) trên đường cao tốc đã có tín hiệu cảnh báo, tài xế có đủ thời gian, đủ khoảng cách để giảm tốc độ, tránh người đi bộ nhưng lại chủ quan không thực hiện dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.

"Nếu không bỏ trốn trong vụ tai nạn nói trên thì tài xế ôtô không phải chịu trách nhiệm hình sự và có thể cũng không phải bồi thường thiệt hại”, vị chuyên gia pháp lý nhận định.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn