MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Gia Lai bắt giữ một nhóm đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh T.T

Gửi quyết định khởi tố giả qua mạng, nhiều nạn nhân ở Gia Lai "sập bẫy"

THANH TUẤN LDO | 10/05/2022 14:34

Gia Lai – Từ tháng 2 năm 2022 cho đến nay, tại Gia Lai xảy ra hàng chục vụ lừa đảo qua mạng xã hội Facebook, Zalo với trên 30 nạn nhân và số tiền bị thiệt hại hơn 20 tỉ đồng. Nhóm tội phạm lừa đảo giả danh cán bộ điều tra, Viện kiểm sát gửi quyết định khởi tố, bắt giam qua mạng xã hội nhằm đe dọa nạn nhân.

Trầm cảm sau khi bị lừa hơn 10 tỉ đồng

Đã nhiều ngày trôi qua, bà N.T.D.H. (SN 1961, trú tại phường Phù Đổng, TP. Pleiku) vẫn chưa hết nỗi hoảng sợ khi bị nhóm đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt 10,4 tỉ đồng.

Bà H. làm nghề buôn bán, kinh doanh, cuối tháng 2.2022, bà nhận được cuộc gọi điện thoại từ số lạ, xưng danh là cán bộ Công an điều tra.

Đối tượng yêu cầu bà H. vào phòng kín nói chuyện riêng qua điện thoại với lời lẽ đầy dọa dẫm, nghi vấn bà liên quan đến đường dây tội phạm.

Đối tượng này yêu cầu bà H. tự nộp tiền vào tài khoản ngân hàng để… được bảo lãnh và phục vụ công tác điều tra, sau đó cung cấp mật khẩu tài khoản ngân hàng cho chúng. Khi kiểm tra, xác minh xong sẽ hoàn trả lại tiền.

Lo sợ, bà H. đi vay mượn tiền bạc của bạn bè, người quen, vay nóng lãi suất cao để nộp vào tài khoản, cung cấp mật khẩu, mã giao dịch OTP cho kẻ giả danh.

Hơn 1 tháng, bà H. nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng với số tiền 10,4 tỉ đồng và đều bị nhóm lừa đảo rút sạch tiền hoặc chuyển khoản lòng vòng qua nhiều tài khoản khác nhau rồi chuyển vào tiền ảo. Biết mình bị lừa sạch tiền, bà H. rơi vào tình trạng trầm cảm.  

Trung tá Sơn cảnh báo về các thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội. Ảnh T.T

Trao đổi với PV Báo Lao Động, trung tá Đinh Văn Sơn – Phó trưởng phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm Công nghệ cao (Công an tỉnh Gia Lai), nhóm đối tượng lừa đảo nhắm đến “con mồi” chủ yếu là phụ nữ nhẹ dạ, cả tin. Công an truy vết, kiểm tra hàng trăm tài khoản nhưng vẫn không thấy nhóm đối tượng chịu rút tiền.

Chúng chuyển tiền vào game đánh bạc, tiền kỹ thuật số hoặc sử dụng tài khoản ngân hàng rác mua ở các nhóm kín trên mạng. Có khi nhóm lừa đảo câu kết với các đối tượng đang ở nước ngoài, thực hiện việc rút tiền nên công tác điều tra gặp rất nhiều khó khăn.

Khuyến cáo không nhận tiền, quà từ người lạ

Không chỉ bà N.T.D.H. mà chị N.T.H. (trú tại thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ) bị chiếm đoạt 3,2 tỉ đồng; chị T.T.H. (trú tại phường Hoa Lư, TP. Pleiku) bị chiếm đoạt 1,5 tỉ đồng cũng với các thủ đoạn tương tự nhau.

Theo trung tá Sơn, qua nghe lại các cuộc  ghi âm điện thoại của nạn nhân, đối tượng giả danh đã tìm hiểu khá kỹ thông tin về nạn nhân, tên tuổi, năm sinh, tâm lý sinh hoạt, công việc. Để từ đó chúng dễ dàng thao túng, đe dọa, thậm chí nhiều nạn nhân bị chúng gửi quyết định bắt tạm giam, quyết định khởi tố… qua mạng xã hội Zalo, Facebook. Nạn nhân vì sợ hãi nên đã làm theo các yêu cầu của nhóm đối tượng.

Thực tế, các đối tượng lừa đảo này đã tìm cách khai thác thông tin cá nhân trên Facebook. Khi các bị hại dùng mạng xã hội đã đưa thông tin, chụp ảnh chứng minh thư, căn cước công dân lên mạng, việc làm không cẩn trọng này vô tình tiếp tay cho chúng thực hiện ý đồ xấu.

Ngoài ra, các bị hại cũng ít hiểu biết về pháp luật, bởi khi có quyết định khởi tố, bắt giam, triệu tập của cơ quan tố tụng (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án) thì đều gửi trực tiếp và có công dân xác nhận, có cán bộ, chính quyền xã, phường xuống tận nơi cư trú. Nên sẽ không bao giờ có việc gửi quyết định khởi tố, bắt giam… qua nền tảng mạng xã hội.

Bị hại trong các vụ án liên quan đến công nghệ cao tại Gia Lai rất đa dạng, từ cán bộ, công chức nhà nước đến chủ doanh nghiệp, nhưng hầu hết bị hại 100% là nữ.

Cơ quan Công an cảnh báo người dân không tải các ứng dụng lạ trên điện thoại, không nhận lời mời nhận quà, nhận tiền, giữ tiền từ các đối tượng không quen biết qua mạng và tuyệt đối không cung cấp mật khẩu, tài khoản, mã OTP của ngân hàng.      

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn