MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lực lượng chức năng làm nhiệm vụ tại khu vực đường Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Ảnh H.A

Hà Nội: Chưa tạm đình chỉ công việc với thư ký, lái xe bị công an khám xét

Vương Trần LDO | 14/07/2020 11:17

2 trong 3 người bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khám xét nơi ở khẩn cấp tối qua (13.7) là người đang làm việc tại UBND thành phố Hà Nội.

Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, một cán bộ phòng Thư ký Biên tập, tổ giúp việc của UBND thành phố Hà Nội, 1 lái xe của Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung là 2 trong 3 đối tượng vừa bị Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc.

Cho đến sáng nay (14.7), trao đổi với Lao Động, một nguồn tin khác ở UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện 2 người này chưa bị tạm đình chỉ công việc.

Theo nguồn tin này, hiện nay cơ quan công an mới chỉ có lệnh khám xét khẩn cấp, chưa có lệnh tạm giữ, tạm giam nên bên phía Uỷ ban chưa thực hiện các bước tiếp theo. “2 người này hiện nay vẫn đang làm việc với cơ quan công an, có nghĩa là vẫn đang đi làm” - vị này nói.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, vào tối ngày 13.7.2020, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở, nơi làm việc của 3 đối tượng về hành vi "chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước" theo Điều 337 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Các đối tượng gồm:

Nguyễn Anh Ngọc, sinh ngày 20.5.1974, trú tại phường Bồ Đề, quận Long Biên, thành phố Hà Nội. Cán bộ này đang công tác tại Phòng Thư ký biên tập, Tổ giúp việc của UBND thành phố Hà Nội.

Nguyễn Hoàng Trung, sinh ngày 27.7.1983, trú tại phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Người này là lái xe của ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội.

Phạm Quang Dũng, sinh ngày 16.7.1983, trú tại xã Tân Triều, quận Thanh Trì, thành phố Hà Nội.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiếp tục làm rõ vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Tối cùng ngày 13.7, tại trụ sở UBND TP.Hà Nội, có nhiều xe biển xanh 80A xuất hiện. Ở một diễn biến khác, vào khoảng 21h25, lực lượng chức năng cùng xe biển xanh cũng xuất hiện tại một ngôi nhà ở đường Ái Mộ, phường Bồ Đề, quận Long Biên. Được biết, đây là nhà riêng của ông Nguyễn Anh Ngọc (hiện công tác tại Phòng Thư ký biên tập, Tổ giúp việc của UBND TP.Hà Nội).

Phân tích dưới góc độ pháp lý về hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước được quy định tại Điều 337 Bộ luật Hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 1.1.2018), được sửa đổi bởi Khoản 125 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017.

Khoản 1 nêu: Người nào cố ý làm lộ bí mật Nhà nước, chiếm đoạt, mua bán hoặc tiêu hủy vật hoặc tài liệu bí mật Nhà nước, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 110 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.

Khoản 2: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 năm đến 10 năm: Bí mật nhà nước thuộc độ tối mật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây tổn hại về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, kinh tế, văn hóa.

Khoản 3: Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm: Có tổ chức; Bí mật nhà nước thuộc độ tuyệt mật; Phạm tội 2 lần trở lên; Gây tổn hại về chế độ chính trị, độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.

Khoản 4: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.

Như vậy, hình phạt của tội này từ 2-15 năm.

Theo luật sư Cường, tội phạm hoàn thành khi tài liệu bí mật nhà nước thoát khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm giữ, quản lý nó.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn