MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các bị cáo tại phiên toà xét xử sai phạm xảy ra tại BIDV. Ảnh: BVPL.

Hai cựu Phó Tổng Giám đốc BIDV xin hưởng khoan hồng

Việt Dũng LDO | 29/10/2020 18:01
Bị cáo Trần Lục Lang, Đoàn Ánh Sáng, hai cựu Phó Tổng giám đốc BIDV mong nhận được khoan hồng của pháp luật để sớm trở lại xã hội, trong lời nói sau cùng.

Ăn năn trong lời nói sau cùng

Sau 4 ngày xét xử, tranh luận, 12 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại Ngân hàng thương mại CP đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà), Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) đã nói lời sau cùng trước khi toà nghị án.

Bị cáo Trần Lục Lang, cảm thấy đau xót khi phải đứng tại phiên tòa. Cho rằng lĩnh vực kinh doanh ngân hàng có rất nhiều rủi ro, cộng thêm áp lực từ nhiều phía, ông Lang mong Hội đồng xét xử ghi nhận những đóng góp của bị cáo trong việc phát triển kinh tế đất nước, được tặng thưởng nhiều huân, huy chương, tích cực tham gia thu hồi khoản tiền thiệt hại cho BIDV để xem xét giảm nhẹ hình phạt, cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Đoàn Ánh Sáng cho biết đã nhận thức rõ hành vi sai phạm của mình và mong muốn Hội đồng xét xử xem xét, ghi nhận những tình tiết giảm nhẹ của bản thân để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Bị cáo Ngô Duy Chính (cựu Giám đốc BIDV Hà Thành) trình bày quá trình bị tạm giam, đến hôm nay, bị cáo nhận thức rõ tội trạng, sai lầm của mình, thực sự hối tiếc, ân hận để xảy ra sai phạm. Bị cáo mong HĐXX xem xét toàn diện, để bị cáo nhận được khoan hồng của pháp luật. Bị cáo cũng mong các bị cáo cựu cán bộ BIDV Hà Thành cũng nhận được sự khoan hồng.

Bị cáo Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Bình Hà, cháu của ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch HĐQT BIDV) nói, sau thời gian gần 2 năm tạm giam, bị cáo nhận thức hành vi của mình và ăn năn. Mong HĐXX xem xét vai trò của bị cáo trong tội danh để có tình tiết giảm nhẹ, được nhận mức án thấp nhất có thể để về với 2 con nhỏ.

Trong đó, riêng bị cáo Đinh Văn Dũng (cựu Tổng Giám đốc Công ty Bình Hà) mong HĐXX xem xét các tình tiết, sớm minh oan ngay cho bị cáo.

Bị cáo Đoàn Hồng Dũng (cựu Giám đốc Công ty Trung Dũng) mong chính sách nhân đạo của Nhà nước, pháp luật, đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Bị cáo mong vợ được hưởng án treo để cùng gia đình lo khắc phục hậu quả của bị cáo gây ra.

Còn bị cáo Nguyễn Thị Thanh Sơn (vợ của bị cáo Đoàn Hồng Dũng) thiết tha, khẩn cầu HĐXX chiếu cố cho bị cáo cơ hội ở ngoài xã hội cùng con cái khắc phục hậu quả cho BIDV.

Các bị cáo phải chịu trách nhiệm về khoản tiền BIDV thiệt hại

Chiều cùng ngày, Viện KSND Hà Nội đã đối đáp lại các quan điểm bào chữa của các luật sư.

Ở nhóm tội các bị cáo cựu lãnh đạo cán bộ BIDV cho Công ty Bình Hà vay vốn thực hiện dự án chăn nuôi bò, Viện Kiếm sát cho rằng, các luật sư tập trung bào chữa việc có sai phạm hay không; Vi phạm được quy định ở điều khoản nào; Hậu quả thiệt hại căn cứ vào đâu để xác định…

Viện Kiểm sát cho hay, cáo trạng đã nêu rõ về điều khoản vi phạm ở nội dung cho vay đầu tư dự án dài hạn, khách hàng phải có vốn, tài sản đảm bảo vay, tài sản khác. Theo đó, doanh nghiệp phải có vốn là 60% (thực tế, Công ty Bình Hà chỉ có vốn là hơn 23%).

Ngoài ra, các bị cáo thuộc BIDV Chi nhánh Hà Tĩnh đã không thực hiện kiểm tra sử dụng tiền sau khi giải ngân, khiến Công ty Bình Hà không dùng đúng mục đích.

Trước ý kiến của luật sư về việc cáo buộc sai phạm đối với cựu Phó Tổng giám đốc BIDV Trần Lục Lang là khiên cưỡng, Viện Kiểm sát cho rằng, căn cứ vào các quy chế ngân hàng BIDV… quy định cho tất cả cán bộ ngân hàng phải thực hiện. Theo đó, bắt buộc doanh nghiệp phải có vốn tự có.

Cáo trạng truy tố bị cáo Lang, cho vay vượt mức tín dụng so với vốn tự có của khách hàng. VKS thấy, chính sách quy định tỷ lệ tài sản cho vay (giữa khách hàng và Ngân hàng) 60-40, vốn lưu động theo tỷ lệ 30-70; như vậy rõ ràng đã cấp quá giới hạn vốn tự có. Hậu quả BIDV thiệt hại gần 800 tỉ đồng.

Liên quan đến việc giải ngân cho Công ty Trung Dũng vay, luật sư cho rằng các bị cáo đề xuất cấp hạn mức 700 tỉ cho công ty này (năm 2011) là đúng quy định. Song, Viện Kiểm sát khẳng định, căn cứ vào quy chế ban hành của BIDV, thì việc cấp hạn mức tín dụng phải xem khách hàng có đủ điều kiện để trả nợ ngân hàng khi đến hạn.

Quá trình xét hỏi, đấu tranh, thể hiện Công ty Trung Dũng không đủ năng lực tài chính để cấp hạn mức, giải ngân theo hạn mức. Thực tế, BIDV đã giải ngân hết gần 700 tỉ đồng.

BIDV Hà Thành và các bị cáo trực tiếp thực hiện cho vay, phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, BIDV. Việc giải ngân phải đảm bảo đúng chính sách khách hàng của BIDV trong mọi thời điểm.

Việc các bị cáo giải ngân không đúng quy định pháp luật khiến BIDV thiệt hại hơn 864 tỉ đồng nên phải chịu trách nhiệm hình sự về số tiền này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn