MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhiều công nhân lao động xa quê sập bẫy dự án ma đến dự phiên tòa để hy vọng đòi được quyền lợi. Ảnh: Đình Trọng

Hàng trăm lao động xa quê sập bẫy dự án ma ở Bình Dương

Đình Trọng LDO | 27/10/2023 14:30

Trong 2 tuần vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương đưa ra xét xử vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản xảy ra ở Công ty Bình Dương Cityland (trụ sở tại Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Vụ án được dư luận chú ý vì đây là một trong những vụ án lừa đảo trong giao dịch bất động sản ở Bình Dương có đông bị hại nhất từ trước đến nay trong đó, cả trăm người bị hại là những người lao động xa quê.

Lập loạt dự án ma lừa đảo lao động xa quê

5 bị cáo bị truy tố trong vụ án gồm: Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1994, là Tổng Giám đốc Công ty Bình Dương Cityland) và các cấp dưới là Hoàng Anh Vui (sinh năm 1994), Lê Văn Công (sinh năm 1977), Nguyễn Anh Khoa (sinh năm 1991) và Châu Lê Minh Vẹn (sinh năm 1987).

Các bị cáo đều bị viện kiểm sát cáo buộc tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Từ tháng 5.2018 đến tháng 11.2019, 5 bị cáo đã thành lập công ty, mua các thửa đất đất nông nghiệp để xin phép các cơ quan có thẩm quyền cấp phép làm dự án đất ở, nhà ở nhưng không được chấp thuận. Tuy nhiên, nhóm này đã tung tin các dự án như đã được cấp phép, các lô đất có đầy đủ pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng.

Khi tổ chức các buổi bán hàng, nhóm này thuê mướn máy móc, san lấp bề mặt để khách hàng tin tưởng xuống tiền cọc đất. Có khoảng 500 người đã thực hiện các hợp đồng để mua đất xây nhà nhưng đến năm 2020 các dự án vẫn chỉ là bãi đất trống nên đã tố cáo hành vi lừa đảo của nhóm này.

Cơ quan điều tra (Công an tỉnh Bình Dương) đã điều tra và khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo thống kê, 5 bị cáo đã khắc phục trả lại một phần tiền chiếm đoạt cho 176 bị hại hơn 18 tỉ đồng. Số tiền còn lại chưa khắc phục trả lại cho 384 bị hại là hơn 144 tỉ đồng.

Nhiều gia đình lao động tan nát vì mua đất dự án ma

Vụ án kéo dài gần 10 ngày xét xử, đến ngày 25.10, phiên tòa kết thúc, hội đồng xét xử quyết định tạm nghỉ để nghị án. Cả trăm người lao động bỏ công việc trong thời gian dài để đi dự phiên tòa xét xử.

Chị Võ Thị Hương (38 tuổi, quê Nghệ An, làm công nhân ở tại KCN Mỹ Phước) là một trong những bị hại của vụ án. Nhắc đến việc mua đất, chị Hương uất ức khóc nức nở. “Tôi bị lừa mua đất ở dự án Bình Dương City 1 tại huyện Bàu Bàng. Gia đình tôi rất nghèo, cả 2 vợ chồng là công nhân, vay tiền cưới của vợ chồng người em để mua. Cứ nghĩ là mua được đất làm nhà để thoát khỏi cảnh ở trọ nhưng cuối cùng là bị lừa” - chị Hương chia sẻ.

Vụ án cũng cuốn theo nhiều bậc cha mẹ của công nhân lao động phải từ quê vào Bình Dương thay con đi dự phiên tòa. Ông Lê Sỹ Sáng (70 tuổi) từ Hà Tĩnh lặn lội vào Bình Dương để thay vợ chồng con gái đến tòa.

“Con tôi mua thửa đất 320 triệu đồng, số tiền này tôi vay ngân hàng hết. Khi biết bị lừa, gia đình hết sức khó khăn. Tôi mong tòa án xét xử các bị cáo thật nghiêm minh để răn đe các đối tượng khác đồng thời, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của con chúng tôi là những lao động xa quê đến Bình Dương lập nghiệp” - ông Lê Sỹ Sáng bày tỏ.

Còn nhiều dự án chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo

Bình Dương là tỉnh thu hút đông lao động ngoại tỉnh, vì vậy nhu cầu mua đất xây nhà an cư lạc nghiệp là rất lớn. Tuy nhiên, nguồn cung nhà ở cho khách hàng có thu nhập trung bình và thu nhập thấp vẫn còn ít. Vì vậy, nhiều người phải đánh liều giao dịch ở các dự án đang trong quá trình làm thủ tục đầu tư. Tuy nhiên, sau đó chủ đầu tư không thực hiện theo cam kết, không giao đất đủ pháp lý đúng hẹn, cũng không trả lại tiền.

Đại diện Công an tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đang có 35 vụ khiếu kiện đông người liên quan đến các dự án bất động sản. Nguyên nhân chủ yếu do chủ đầu không thực hiện cam kết với khách hàng về bàn giao nhà, đất, sổ đỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn