MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bé sơ sinh bị mẹ bỏ rơi ở hố ga dưới trời nắng nóng 40 độ. Ảnh: CACC

Hành động bỏ rơi con tại hố ga ở Hà Nội có dấu hiệu tội phạm

Phạm Đông - Tùng Giang LDO | 11/06/2020 11:20

Theo các luật sư, vụ việc bé sơ sinh bị bỏ rơi ở hố ga dưới trời nắng nóng 40 độ tại Hà Nội không chỉ tàn nhẫn, vô cảm, khiến dư luận xã hội hết sức bất bình mà còn có dấu hiệu tội phạm.

Liên quan đến vụ việc người mẹ bỏ rơi con tại hố ga bỏ hoang ở Hà Nội, mới đây Công an thị xã Sơn Tây đã làm rõ người phụ nữ bỏ rơi con tại hố ga bỏ hoang trên địa bàn và đang lập hồ sơ xử lý hành vi của người mẹ trên theo đúng quy định của pháp luật.

Trao đổi với Lao Động ngày 11.6, thạc sĩ - luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, sự việc một em bé sơ sinh bị bỏ rơi tại hố ga 3 ngày dưới trời nắng 40 độ C là một hành vi vô cùng tàn nhẫn, vô cảm, khiến dư luận xã hội hết sức bất bình. Hành vi này không chỉ không thể chấp nhận được về mặt đạo đức mà còn có dấu hiệu tội phạm.

Theo ông Cường, hiện nay Điều 124 Bộ luật hình sự có quy định về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ. Cụ thể, người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 7 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc bị phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Trong trường hợp này, người mẹ bỏ rơi con mới đẻ là hành vi vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật. Nếu đứa trẻ thiệt mạng thì người mẹ có thể bị xử lý hình sự về tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ.

"Hành vi bỏ mặc con của người mẹ chưa thỏa mãn yếu tố cấu thành tội danh quy định tại Điều 124 BLHS 2015. Tuy nhiên, nếu em bé có những tổn hại về sức khỏe thì người mẹ cũng có thể bị xử lý hình sự về hành vi cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015 nếu thõa mãn cấu thành tội phạm này" - ông Cường phân tích.

Điều dưỡng Trạm Y tế xã Thanh Mỹ trực tiếp bế cháu bé đưa đi cấp cứu tại BVĐK Xanh Pôn. Ảnh: Văn Hiệp

Còn trường hợp, đứa trẻ bị vứt bỏ không tử vong, người mẹ có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 144/2013/NĐ-CP ngày 29.10.2013 của Chính phủ. Cụ thể, người mẹ có thể bị tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật.

Cũng theo ông Cường, để hạn chế những vụ việc đau lòng như trên diễn ra thì chúng ta cần tập trung tuyên truyền giáo dục pháp luật về sức khỏe, giới tính, sinh sản... Ngoài ra cần tăng cường phát hiện, điều tra xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm để răn đe, phòng ngừa chung.

Còn luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ngược đãi con là hành vi đối xử một cách tàn nhẫn, trái với lẽ phải, với đạo đức của mẹ đối với con. Hành động vứt bỏ con của người mẹ có dấu hiệu của tội ngược đãi con theo điều 185 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình thì có thể bị phạt từ 2 năm đến 5 năm tù.

"Dẫu rằng tâm lý người mẹ mới sinh luôn tồn tại sự bất ổn, trầm cảm, có những tư tưởng lạc hậu hoặc gặp những khó khăn khách quan đặt biệt thì cũng không thể biện minh cho hành vi ngược đãi con của người mẹ" - ông Lực nhấn mạnh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn