MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hé lộ "ma trận" của đường dây tín dụng đen 20.000 tỉ đồng khiến người vay sập bẫy

Hoàng Bin LDO | 01/08/2023 14:14

Đường dây tội phạm cho vay nặng lãi có quy mô 20.000 tỉ đồng - lớn nhất từ trước đến nay trên cả nước, vừa được Công an tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ Công an và Công an các tỉnh, thành triệt phá thành công. Từ thông tin của cơ quan điều tra và lời khai của các đối tượng trong đường dây, “ma trận” dẫn dụ người vay sập bẫy dần được hé lộ.

Vay 2 triệu đồng, nợ hơn 100 triệu đồng

Tin vào lời quảng cáo vay tiền nhanh chóng, dễ dàng giải ngân trong ngày trên app vay tiền trực tuyến "Great vay", anh T đã đăng ký thông tin cá nhân để vay số tiền hơn 2 triệu đồng với lãi suất 0%/tuần, mà không hề hay biết, bản thân đã rơi vào “ma trận” tín dụng đen không lối thoát.

“Tôi vay 2,5 triệu đồng trong thời gian 7 ngày, nhưng chỉ được giải ngân 1,2 triệu đồng. Sắp đến hạn thì có những số Zalo, điện thoại bàn, số lạ gọi đến để hướng dẫn qua 1 app khác vay để trả tiền cho app "Great vay". Từ số tiền ban đầu khoảng 2 triệu đồng thôi, nhưng cứ vay hết ứng dụng này đến ứng dụng khác nên số tiền phải trả lên đến hơn 100 triệu đồng”, nạn nhân T cho biết.

Thông tin người vay đăng ký nhanh chóng được chuyển về đầu mối của các đối tượng để phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ trái pháp luật. Ảnh chụp màn hình.

Theo cơ quan điều tra, ứng dụng chính được các đối tượng trong đường dây tín dụng đen quảng cáo là "Great vay", cho vay với lãi suất 0%/ngày. Nhưng từ đây, bọn chúng dẫn dụ đến hơn 20 ứng dụng cho vay liên kết khác với lãi suất lên đến 2.346,4%/năm, áp dụng cho mỗi gói vay 7 ngày.

Nếu trong thời gian 7 ngày, người vay không trả được tiền thì các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu trả tiền gia hạn 7 ngày, với số tiền gia hạn là 45% số tiền vay. Tiền lãi được trừ thẳng vào tài khoản tiền gốc người vay đăng ký khi giải ngân.

Đường dây tội phạm được chia thành nhiều nhóm nhỏ, công ty con, hoạt động trên cả nước hòng qua mặt cơ quan chức năng. Ảnh: Công an cung cấp.

Thượng tá Phạm Văn Sơn – Trưởng Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, khi người vay tải ứng dụng đăng ký bằng chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều kiện vay, thì tất cả các thông tin này được đồng bộ về cơ sở dữ liệu của các đối tượng lừa đảo, nhằm phục vụ cho hoạt động vay, thu hồi nợ sau này. Các đối tượng sử dụng hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” gây mất trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.

Đường dây tội phạm xuyên quốc gia

Cơ quan điều tra xác định, đây là đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia, hoạt động từ năm 2019 đến tháng 7.2023, với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, do 11 đối tượng cầm đầu (trong đó có 3 người Trung Quốc) và 49 đối tượng người Việt Nam giúp sức.

Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma”, sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại qua kênh bất động sản, tiền ảo nhằm mục đích “rửa tiền”, “chuyển tiền trái phép qua biên giới”.

This browser does not support the video element.

Cơ quan điều tra khám xét và bắt các đối tượng trong đường dây tín dụng đen 20.000 tỉ đồng. Clip: Hoàng Bin

Tại cơ quan điều tra, đối tượng cao Văn Trung khai nhận: “Sau khi cơ quan điều tra tiến hành triệt phá chuyên án cho vay nặng lãi, thì công ty chúng tôi mới nhận ra là đã vô tình tiếp tay cho các đơn vị cho vay, để thực hiện giải ngân không đúng quy định”.

Tổng số tiền các đối tượng phạm tội thông qua các công ty trung gian thanh toán tổ chức cho vay nặng lãi tính đến thời điểm bắt giữ là 20.000 tỉ đồng, thu lợi bất chính số tiền trên 8.000 tỉ đồng, tổ chức rửa tiền và chuyển tiền thu lợi bất chính trái phép ra khỏi Việt Nam với số tiền trên 5.000 tỉ đồng, thượng tá Phạm Văn Sơn cho biết.

Bắt nhóm đối tượng người nước ngoài cầm đầu đường dây tín dụng đen cho vay nặng lãi hơn 2.340%/năm. Ảnh: Công an cung cấp.

Ông Nguyễn Hữu Khoa - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam chia sẻ, quá trình điều tra gặp nhiều khó khăn vì các đối tượng nước ngoài sử dụng nhiều công ty “ma”, nên quá trình hình thành dòng tiền nhọc nhằn, với hơn 1 triệu lượt người bị hại trên cả nước.

Ngoài ra, trong quá trình phạm tội, các đối tượng rất tinh vi thực hiện hành vi chuyển tiền ra nước ngoài, với thủ đoạn vừa sử dụng tiền VNĐ vừa sử dụng đồng tiền ảo USDT để lách luật.

Quá trình điều tra phá án gặp nhiều trở ngại do các đối tượng sử dụng pháp nhân, công ty “ma” để hoạt động phạm tội. Ảnh: Công an cung cấp.

Từ đường dây cho vay lãi nặng được xem là lớn nhất cả nước từ trước đến nay, đã cho thấy nhiều vấn đề trong giao dịch tài chính hiện nay, đặc biệt là vay tiền qua kênh online.

Những lời mời chào “có cánh” trên các trang mạng xã hội hay app vay tiền có thể là chiếc bẫy giăng ra để chờ người vay sập bẫy. Chính vì vậy, người dân cần đặc biệt cảnh giác với loại đối tượng không mới nhưng ngày càng nguy hiểm này.

Khi có nhu cầu vay nên tìm đến ngân hàng, hoặc các tổ chức tín dụng hoạt động theo sự cho phép pháp luật để đảm bảo không dính vào cạm bẫy tín dụng đen. Không nên chuyển tiền dưới bất kì hình thức nào theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Ngày 24.7, 45 đối tượng người nước ngoài và người Việt Nam phạm tội trong đường dây hoạt động “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”; “Cưỡng đoạt tài sản”; “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới” đã bị Công an Quảng Nam khởi tố. Vụ án đang được Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan tiếp tục điều tra, mở rộng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn