MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một thời gian dài, Nguyễn Xuân Đường đứng ra thu 500.000 đồng mỗi ca hỏa táng người mất ở nơi này. Ảnh: Việt Dũng.

Hiệp hội hỏa táng Thái Bình ra sao sau 9 ngày Đường “Nhuệ” bị bắt?

Việt Dũng - Phạm Đông LDO | 19/04/2020 10:52
Từ khi Nguyễn Xuân Đường (Đường “Nhuệ”) nhúng tay vào, việc đòi thu tiền “từ thiện” 500.000 đồng mỗi ca hỏa thiêu người chết, giá nhiều dịch vụ phải tăng lên. Nhưng đến nay, sau khi Đường "Nhuệ" bị bắt, Hiệp hội Hỏa táng Thái Bình đã có thể giảm giá cho các đám hiếu.

Dịch vụ hỏa táng Thái Bình trở lại “quỹ đạo”

Chiều 18.4, sau 9 ngày vợ chồng Đường “Nhuệ” và đồng bọn bị bắt giữ về tội Cố ý gây thương tích, Hiệp hội Hỏa táng Thái Bình có một cuộc họp diễn ra hơn 1 tiếng.

32 cơ sở dịch vụ tang lễ trong toàn tỉnh Thái Bình đã họp để bàn về việc tiếp tục đưa các đám hỏa táng tại Đài hóa thân hoàn vũ Thanh Bình (tỉnh Nam Định).

Ông N.V.C (chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại huyện Vũ Thư) cho hay, Hiệp hội đã thống nhất vẫn đi lại, tiến hành hỏa táng ở Đài hóa thân Thanh Bình.

Theo ông C., Hiệp hội có từ khi Đài hóa thân Nam Định được xây dựng. Những năm đầu, khoảng năm 2014-2017, ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty CP dịch vụ tang lễ Hoàng Long, chủ Đài hóa thân Hoàn vũ Thanh Bình ủy quyền cho Công ty Thành Phát lập văn phòng kinh doanh tại tỉnh Thái Bình, tiếp nhận các trường hợp thân nhân gia đình người mất đăng ký dịch vụ hỏa táng. Mỗi trường hợp hỏa táng, gia đình có tang sẽ chịu mức phí 4,3 triệu đồng.

“Một năm sau đó, chúng tôi không hiểu vì sao Công ty Thành Phát lại chuyển giao công việc cho ông Nguyễn Xuân Đường”, ông C. cho biết. Sau đó có nhiều xáo trộn về chi phí dịch vụ tang lễ, phải “cắt” lại 500.000 đồng/đám cho Đường Nhuệ. Vì thế, các dịch vụ hỏa táng từ Thái Bình đưa sang Nam Định đã tăng lên.

Cũng theo ông C., tại cuộc họp của Hiệp hội, các cơ sở dịch vụ tang lễ Thái Bình thống nhất đề xuất với bên Đài giảm giá để họ giảm chi phí cho nhân dân. Hiệp hội sẽ tiếp tục đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau để đi vào quỹ đạo hoạt động vốn có trước đó.

2 năm Đường “Nhuệ” ăn chặn tiền hỏa táng

Trước đó, thượng tá Nguyễn Thanh Trường, Giám đốc Công an tỉnh Thái Bình cho biết, ngoài vụ án đã khởi tố, cơ quan chức năng tiếp tục làm rõ việc Đường “Nhuệ” có hay không các hành vi phạm tội khác liên quan đến đấu thầu giá đất, ăn chặn tiền hỏa táng, cho vay nặng lãi… Cơ quan điều tra cũng đã làm việc với nhiều cá nhân, đơn vị trong tỉnh Thái Bình và Nam Định.

Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long bức xúc vì Đường “Nhuệ” cướp công việc làm ăn của Công ty Thành Phát. Ảnh: Việt Dũng.

Ông Trần Ngọc Giao, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Long cho biết, cơ quan công an cũng đã có buổi làm việc với ông. Ông Giao đã trình bày cơ bản những sự việc liên quan đến Đường “Nhuệ” cướp việc của Công ty Thành Phát, ăn chặn tiền của các cơ sở dịch vụ tang lễ tại Thái Bình trong 2 năm qua.

Theo ông Giao, Công ty Thành Phát đang làm ăn yên ổn, giá cả hỏa táng ổn định thì Đường “Nhuệ” nhúng tay vào đề nghị phía Hoàng Long để cho ông ta độc quyền nhận các ca hỏa táng ở Thái Bình. Ông cho rằng, Đường "Nhuệ" làm bậy như vậy là có sự tiếp tay của cán bộ Công ty Hoàng Long.

Trước đề nghị vô lý, ông Giao đã không đồng ý nên trong suốt 2 tháng, Đường “Nhuệ” cho đàn em chặn tất cả các xe tang lễ không cho chở người đi hỏa táng tại Nam Định, bắt phải đưa sang hỏa táng tại Hải Phòng. Bản thân ông cũng đã phải nhận những cuộc điện thoại, tin nhắn đe dọa.

Khi đó, người dân phản đối không hỏa táng nữa nếu đưa sang Hải Phòng vì chi phí quá đắt đỏ. Đường “Nhuệ” xuống nước, song "triệu tập" các cơ sở dịch vụ tại Thái Bình họp và phải ký vào một văn bản “liên doanh”. Theo đó, mỗi ca mai táng, sẽ nộp về cho Công ty Đường Dương 500 ngàn đồng.

Trước yêu cầu vô lý đó của Đường “Nhuệ”, không ai dám phản đối vì bị đe dọa, dằn mặt. “500 ngàn đó, gia đình có tang đành phải chịu vì giá thành hỏa táng bất di bất dịch là 4,3 triệu đồng”, ông Giao nói.

Một phụ nữ làm dịch vụ tang lễ ở Thái Bình cũng cho hay, thiệt hại tất cả đổ vào người dân. Các dịch vụ bảo nhau nâng giá lên một chút để bù vào khoản đó, vì không thể tự bỏ 500 ngàn đồng ra. “Tôi rất bức xúc, họ không làm gì hết mà được khoản tiền đó. Họ còn nói 500 ngàn đó là khoản từ thiện”, chị này nói.

Cũng theo người phụ nữ này, Đường “Nhuệ” chia cho các cơ sở dịch vụ tang lễ bao nhiêu xã thì biết bấy nhiêu. Ông ta luôn có chân rết kiểm soát và báo ca “không bao giờ sót” một trường hợp nào. Bình quân cơ sở dịch vụ tang lễ của gia đình chị phải đóng cho Đường “Nhuệ” 20-30 triệu đồng/tháng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn