MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cựu giáo viên ở Hải Phòng khởi kiện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ảnh Mai Dung

Hoãn phiên tòa sơ thẩm vụ một giáo viên Hải Phòng kiện Bộ GDĐT

Mai Dung LDO | 10/07/2020 20:59

Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ một cựu giáo viên Hải Phòng kiện Bộ GDĐT chiều 10.7 hoãn vì lý do người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện vắng mặt. 

Chiều 10.7, Tòa án Nhân dân TP.Hải Phòng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về khiếu kiện hành vi hành chính. Người khởi kiện là ông Ngô Văn Hiển (sinh năm 1962, phường Dư Hàng Kênh) và ông Nguyễn Tế Đồng (sinh năm 1936, phường Cát Dài, cùng quận Lê Chân, Hải Phòng). Người bị kiện là Bộ GDĐT (Số 35 Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). 

Bộ Giáo dục Đào tạo vắng mặt tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính về khiếu kiện hành vi hành chính chiều 10.7. Ảnh Mai Dung

Tại phiên tòa, đại diện người khởi kiện ông Ngô Văn Hiển có mặt. Bộ GDĐT vắng mặt (có lý do), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người khởi kiện là bà Trịnh Cẩm Bình - Luật sư Công ty Luật Biển Đông và ông Tạ Ngọc Bảo - Luật sư Công ty luật Bảo Anh (Đoàn luật sư Hà Nội) vắng mặt. 

Trả lời Hội đồng xét xử về việc người bị kiện và các luật sư vắng mặt, ông Ngô Văn Hiển cho biết: "Chúng tôi rất kì vọng tại phiên tòa hôm nay có đại diện Bộ GDĐT để làm rõ những vấn đề liên quan cũng là thể hiện thiện chí giải quyết vấn đề. Tuy nhiên Bộ vắng mặt. Hai luật sư phía người khởi kiện có đơn xin vắng mặt khỏi phiên tòa. Tôi đề nghị tòa xem xét hoãn phiên tòa để bảo đảm quyền lợi cho người khởi kiện". 

Phiên tòa hoãn do người đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khởi kiện vắng mặt. Ảnh Mai Dung

Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) quyết định hoãn phiên xử sơ thẩm mà người bị khởi kiện là Bộ GDĐT với lý do: Người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người khởi kiện vắng mặt.

Trong đơn khởi kiện, ông Ngô Văn Hiển yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.Hải Phòng xét xử việc Bộ GDĐT không thực hiện hành vi hành chính trong suốt 12 năm; Bộ GDĐT có dấu hiệu đồng lõa, bao che cho Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) lâm thời, Hiệu trưởng Trường Đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng thực hiện nhiều sai phạm. 

Cụ thể, Trường Đại học Dân lập Hải Phòng thành lập năm 1997. Do HĐQT khóa 1 của trường có nhiều vấn đề nên bị giải thể. Năm 2006, Bộ trưởng Bộ GDĐT ký quyết định thành lập HĐQT lâm thời gồm 7 người và tồn tại suốt 12 năm. Trong khi đó, theo quy định của Chính phủ, HĐQT lâm thời chỉ có thời hạn 1 năm.

Việc tồn tại HĐQT lâm thời sai quy định dẫn đến nhiều vấn đề của Trường Đại học Quản lý và công nghệ Hải Phòng. Điển hình như việc trường lập hồ sơ xây dựng Trung tâm đào tạo quốc tế nhưng lại xây dựng trường mầm non; không tổ chức kiểm tra và phê duyệt quyết toán tài chính..... Nhiều năm liền, các thành viên HĐQT lâm thời và thành viên sáng lập có ý kiến kiến nghị lên Bộ GDĐT nhưng không có phản hồi. Đây cũng là một trong lý do ông Ngô Văn Hiển khởi kiện.

Theo ông Ngô Văn Hiển, trong quá trình thụ lý giải quyết đơn khởi kiện của ông, Tòa án Nhân dân TP.Hải Phòng đã tổ chức phiên đối thoại giữa các bên nhưng người đại diện hợp pháp của Bộ GDĐT vắng mặt.

Trường đại học quản lý và công nghệ Hải Phòng (trước là Đại học Dân lập Hải Phòng). Ảnh Mai Dung

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn