MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Đinh La Thăng khai trước tòa. Ảnh Cao Nguyên

Hôm nay, bị cáo Đinh La Thăng khai gì tại tòa?

CAO NGUYÊN LDO | 19/03/2018 16:24
Chiều 19.3, phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm tiếp tục với phần xét hỏi. Tại bục khai báo, ông Thăng đã nhiều lần cho rằng việc mình góp vốn vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB) là đúng quy định.

Phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm, xoay quanh hành vi góp 800 tỉ đồng vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OJB) vẫn đang tiếp tục với phần xét hỏi. Trong buổi sáng, bị cáo Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), sau là Hội đồng thành viên (HĐTV) PVN, được cách ly khi chủ tọa xét hỏi các đồng phạm là cấp dưới của ông.

Đầu giờ chiều, ông Thăng được gọi lên bục khai báo. Nguyên Chủ tịch PVN thừa nhận việc ký thỏa thuận hơp tác với OJB.

Bị cáo cho rằng, việc ký thỏa thuận với nhiều tổ chức tín dụng nhưng sau hợp tác với OJB, mua cổ phần ở đây khi ngân hàng này tăng vốn điều lệ. Việc này xuất phát từ việc ngân hàng Hồng Việt không được thành lập, khi ký xong thỏa thuận thì OJB sẽ tiếp nhận con người, trang bị từ Hồng Việt. Thỏa thuận ghi rõ 2 bên sẽ hoàn thiện các thủ tục để báo cáo cơ quan chức năng. Theo thỏa thuận, PVN nắm tối đa 20% của OJB. Thỏa thuận này được ký 18.9.2008.

Trong lần khai báo này, nhìn ông Thăng khác với lần trước. Ông nói việc góp vốn vào ngân hàng là chủ trương chung của Tập đoàn Dầu khí từ mấy tháng trước đó, các lãnh đạo PVN đều biết. Sau khi ông Thăng ký thỏa thuận với Hà Văn Thắm – nguyên Chủ tịch OJB, việc này đã báo cáo HĐQT bằng văn bản, để HĐQT thông qua.

Ông Đinh La Thăng cũng thừa nhận ký nghị quyết về việc góp vốn trước khi xin ý kiến Chính phủ. Ngay khi HĐQT PVN thống nhất việc góp vốn vào ngày 30.9.2008, ông Thăng ký 3 văn bản xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Tài chính và đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ủng hộ.

Khi HĐXX hỏi về việc Bộ Tài chính từng yêu cầu PVN báo cáo tình hình OJB trước khi góp vốn, bị cáo Thăng khai: “Nội dung văn bản của Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho PVN góp vốn. Công văn của Bộ Tài chính không trả lời PVN mà trả lời Thủ tướng sau khi có văn bản hỏi ý kiến của Thủ tướng… Công văn ghi gửi PVN chỉ "để biết", chứ không phải để PVN trả lời. Nội dung Bộ Tài chính rà soát một số yêu cầu thì bị cáo đã chỉ đạo thực hiện từ trước…”.

Nói thêm về Ngân hàng Đại Dương, ông Đinh La Thăng đánh giá: “OJB có vốn nhỏ nhưng nếu tăng vốn gấp đôi thì khả năng huy động vốn sẽ tăng lên, nhất là khi có đối tác lớn như PVN. Thực tế PVN đầu tư vào OJB đem lại hiệu quả rất lớn. Sau khi ký nghị quyết góp vốn (năm 2008), OJB đã cung cấp số liệu cho PVN. Hơn nữa, OJB niêm yết trên sàn chứng khoán…, có nhiều nguồn tài liệu để kiểm chứng”.

Cũng theo ông Đinh La Thăng, PVN đánh giá OJB bằng văn bản của bị can Nguyễn Ngọc Sự: “Văn bản này đánh giá OJB kém nhưng chốt hạ là chất lượng trung bình khá vì nó nhỏ, muốn nó tăng lên phải tăng vốn. Lúc đó, việc góp vốn ngân hàng rất khó do Chính phủ kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên PVN không được thành lập ngân hàng. Việc báo cáo của anh Sự là đúng, phân tích của HĐQT là đúng và hiệu quả của OJB chứng minh chủ trương góp vốn là hoàn toàn đúng đắn”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn