MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hưng "kính" qua đời, vụ án "bảo kê chợ Long Biên" giải quyết thế nào?

Anh Tuấn LDO | 16/08/2019 13:45

Sau cái chết của "ông trùm" bảo kê chợ Long Biên (Hà Nội) Hưng "kính", luật sư nhận định, tòa phúc thẩm sẽ hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Kim Hưng. Việc điều tra giai đoạn 2 về hành vi của những người từng đứng đầu ban quản lý chợ Long Biên, Hà Nội, vẫn tiếp tục.

Đình chỉ xét xử với bị cáo tử vong trong quá trình tố tụng

Nguyễn Kim Hưng (tức Hưng "kính") - bị cáo lĩnh án sơ thẩm 4 năm tù về tội Cưỡng đoạt tài sản vừa qua đời sau khi được đưa từ trại giam T16 của Bộ Công an vào Bệnh viện đa khoa Hà Đông điều trị bệnh gan. Bị cáo Nguyễn Kim Hưng cũng có xin rút kháng cáo kêu oan trước đó đã được chuyển đến TAND Hà Nội.

Việc bị cáo Hưng "kính" qua đời trong khi đang thụ lý án tù, nhiều người thắc mắc liệu có ảnh hưởng đến phiên xử phúc thẩm và giai đoạn 2 của vụ án "bảo kê" chợ Long Biên?

Về vấn đề này, luật sư Đặng Xuân Cường (bảo vệ cho bị hại Nghiêm Thúy Nga) cho hay, mục đích của việc áp dụng trách nhiệm hình sự, hình phạt đối với người phạm tội nhằm giáo dục họ ý thức tuân thủ pháp luật, ngăn ngừa phạm tội mới. Mục đích đó chỉ có thể đạt được nếu áp dụng đối với người còn sống.

"Theo Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo tử vong khi vụ án đang trong giai đoạn tố tụng, cơ quan tố tụng sẽ ra quyết định đình chỉ xét xử với riêng người đó. Nghĩa là, tòa phúc thẩm sẽ hủy phần bản án sơ thẩm và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Nguyễn Kim Hưng.

Quyết định đình chỉ phải nêu rõ lý do và căn cứ đình chỉ việc xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo. Các bị cáo còn lại vẫn phải tiếp tục xét xử và thi hành án khi bản án có hiệu lực", luật sư nói.

Hưng “kính” tại tòa. Ảnh: Ngô Cường

Trong phiên sơ thẩm, trong bản tuyên án các bị cáo, HĐXX cho rằng, giai đoạn 2 của vụ án sẽ được cơ quan công an tiếp tục điều tra, xử lý. Như vậy, trường hợp bị cáo Nguyễn Kim Hưng qua đời thì lời khai của Hưng "kính" tại cơ quan điều tra và nhận định của bản án sơ thẩm là các căn cứ để tòa cấp cao xem xét.

Điều tra giai đoạn 2 sẽ tiếp tục

Liên quan việc giải quyết giai đoạn 2 của vụ án này, trao đổi với Lao Động, luật sư Trương Anh Tú (bảo vệ cho bị hại Nghiêm Thúy Nga) nhận định: Sau cái chết của Nguyễn Kim Hưng, việc điều tra sẽ vẫn tiếp tục. 

Theo kết luận điều tra (trang 14 Bản kết luận điều tra), ông Đàm Đình Dũng - nguyên Trưởng ban quản lý chợ Long Biên, ông Nguyễn Văn Loan - Phó trưởng ban phụ trách hoạt động của tổ bốc dỡ hàng hóa có liên quan đến việc thu, chi quỹ công đoàn của chợ Long Biên. Điều này, có dấu hiệu sai phạm trong quản lý kinh tế. Cơ quan điều tra đã tách hành vi của ông Dũng, ông Loan, chuyển phòng PC03-CATP Hà Nội để tiếp tục điều tra giai đoạn 2, xử lý theo thẩm quyền.

Luật sư Trương Anh Tú cho rằng, việc để các bị cáo thực hiện các hành vi phạm tội trong một thời gian dài có một phần lỗi lớn của Ban quản lý chợ Long Biên, mà người đứng đầu là ông Đàm Đình Dũng và ông Nguyễn Văn Loan.

Việc không kịp thời có những biện pháp thỏa đáng sau quá trình giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của anh Hà, chị Nga, ở góc độ nào đó đã tạo điều kiện về mặt tinh thần để các bị cáo tiếp tục nối dài các hành vi phạm tội của mình.

Mặt khác, theo tài liệu do cơ quan điều tra thu thập, số lượng người bị nhóm các bị cáo thu tiền bất hợp pháp rất nhiều. Do vậy, với vai trò của những người đứng đầu, Ban quản lý chợ Long Biên không thể không biết về hành vi của các bị cáo.

"Việc không biết được mục đích của bị cáo Nguyễn Kim Hưng như kết luận điều tra, hay, "không được hưởng lợi trong số tiền bị chiếm đoạt" không phải là điều kiện duy nhất để khẳng định những người đứng đầu Ban Quản lý chợ Long Biên không đồng phạm với các bị cáo về tội Cưỡng đoạt tài sản.

Bởi lẽ, trong việc vụ án đồng phạm thì không chỉ có người giúp sức về vật chất, mà còn có cả trường hợp giúp sức về tinh thần", luật sư nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn