MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Hướng xử lý khi bố giao ôtô cho con sinh năm 2007 lái tông 5 xe máy ở Bình Thuận

DUY TUẤN LDO | 03/09/2023 13:19

Bình Thuận - Liên quan đến vụ xe ôtô 4 chỗ do thanh niên sinh năm 2007 điều khiển tông hàng loạt xe máy đang dừng đèn đỏ trên Quốc lộ 1 khiến 5 người bị thương, vậy thanh niên sinh năm 2007 lái xe và người giao xe cho lái sẽ đối mặt với việc xử lý như thế nào?

Ngày 3.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong, Bình Thuận đang điều tra, xử lý vụ tai nạn giao thông xe ôtô do thanh niên sinh năm 2007 điều khiển tông 5 xe máy đang dừng đèn đỏ trên Quốc lộ 1, đoạn km1604 + 750 thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong, Bình Thuận vào sáng 2.9.

Thời điểm xe ôtô tông 5 xe máy dừng chờ đèn đỏ. Ảnh từ camera

Xe ôtô mang BKS 60A-668.00 do N.C.H (sinh năm 2007, ngụ tỉnh Đồng Nai) điều khiển. Cú tông làm 5 người bị thương, trong đó có 1 người bị thương nặng và hiện đã chuyển vào TPHCM điều trị, còn lại 4 người bị xây xát nhẹ. Qua kiểm tra nồng độ cồn và ma tuý thì H không vi phạm.

Theo nguồn tin, trước đó, xe ôtô này do người bố là N.C.T (sinh năm 1982) điều khiển chở 2 con đi du lịch nhưng sau đó, ông T đã giao xe con trai là H cầm lái. Khi điều khiển đến địa điểm trên thì H gây ra vụ tai nạn. Sau đó, 2 bố con đưa những người bị thương đi cấp cứu rồi đến công an huyện Tuy Phong để làm việc.

Xe ôtô gây tai nạn. Ảnh: Phạm Duy

Ngay trong chiều 2.9, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tuy Phong, Bình Thuận đã trưng cầu phòng nghiệp vụ Công an tỉnh ra giám định phương tiện. Đồng thời, trưng cầu giám định thương tật các nạn nhân. Từ kết luận thiệt hại và kết luận thương tật của các nạn nhân để có căn cứ xử lý về hành vi của các cá nhân gây ra vụ tai nạn.

Theo luật sư Nguyễn Độ - Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, xe ôtô là nguồn nguy hiểm cao độ nên chủ sở hữu phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển theo đúng quy định của pháp luật theo qui định tại điều 601 Bộ luật Dân sự 2015.

Các xe máy bị tông ngã trên đường. Ảnh: Phạm Duy

Việc giao phương tiện xe ôtô cho người chưa có giấy phép lái xe điều khiển đã vi phạm khoản 1 Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 "Người đủ 18 tuổi trở lên được lái ... xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi".

Căn cứ theo khoản 9, 10, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, khi người tham gia giao thông chưa đủ tuổi hay chưa có giấy phép lái xe gây tai nạn cho người khác thì chính người lái xe và cả người giao xe cho người chưa đủ điều kiện đều có hành vi vi phạm pháp luật.

Về trách nhiệm hình sự, theo quy định tại khoản 1 điều 12 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017), người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật có quy định khác, trong đó không có loại trừ tội danh điều 260.

Vì thế, cơ quan tố tụng sẽ tính từ ngày tháng năm sinh của N.C.H đến ngày tháng năm gây tai nạn, nếu H đã đủ 16 tuổi thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hành vi "không có giấy phép lái xe theo quy định" ở điểm a, khoản 2, điều 260 BLHS về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Còn nếu chưa đủ 16 tuổi, N.C.H có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo qui định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP.

This browser does not support the video element.

Camera cảnh xe ôtô tông 5 xe máy. Clip: NDCC

Về phía người giao xe cho H điều khiển, nếu cơ quan tố tụng chứng minh được người đã giao xe cho N.C.H điều khiển khi biết rõ H chưa có giấy phép lái xe thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ" theo quy định tại điều 264 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 nếu mức độ hậu quả về tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân, thiệt hại tài sản của nạn nhân đúng theo các điểm, khoản mà điều luật này quy định.

Ngoài ra, trong vụ việc này còn phần trách nhiệm dân sự phải bồi thường thiệt hại đã xảy ra cho các nạn nhân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn