MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Huyền Như là cán bộ của Vietinbank, nên Vietinbank phải... trả tiền (?)

CAO HÙNG LDO | 10/02/2018 10:26

Ngày 9.2, phiên toà chuyển sang phần tranh luận sôi nổi giữa luật sư của 5 doanh nghiệp (DN) bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng, với luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho Ngân hàng TMCP Công thương VN (Vietinbank). Song, càng về cuối, thực tế và chứng cứ vụ án, cũng như quan điểm của đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên toà: người lừa đảo là Huyền Như phải chịu trách nhiệm hoàn trả tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại...

Trong phần bảo vệ lợi ích cho thân chủ, đồng loạt 5 luật sư bảo vệ cho 5 DN bị Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng đều kiến nghị Hội đồng xét xử phải buộc Vietinbank phải có trách nhiệm hoàn trả số tiền trên cho các DN...

Các luật sư này xoáy vào kết luận tại cáo trạng cho rằng một trong những nguyên nhân và điều kiện để Huyền Như phạm tội là Vietinbank đã đặt ra nhiều quy định “sơ hở” trên hệ thống của Vietinbank. Vietinbank cho phép trưởng phòng giao dịch được phê duyệt chuyển tiền lên đến 50 tỷ đồng/lệnh; quy định kiểm soát viên tại phòng giao dịch được phép thực hiện chuyển tiền.v.v...

Mặt khác, các luật sư cũng cho biết, tài khoản các DN mở tại Vietinbank TP HCM và Vietinbank Nhà Bè là “hợp lệ, hợp pháp, đúng quy định”; nguồn tiền gửi từ các DN vào tài khoản mở tại Vietinbank là tiền thật; nhân viên huy động là cán bộ của Vietinbank.v.v...

Bị cáo Huyền Như được dẫn giải tới toà. Ảnh: C.H

Vì vậy, các luật sư cho rằng, Vietinbank phải chịu trách nhiệm về dân sự, phải hoàn trả toàn bộ số tiền do nhân viên Vietinbank là Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt của 5 DN.

Buổi chiều cùng ngày, luật sư Trương Thị Hoà – bảo vệ cho quyền lợi của Vietinbank – đã phân tích rất rõ quá trình hình thành đến lúc thực hiện của hành vi “lừa đảo chiếm đoạt” của Huỳnh Thị Huyền Như.

Điều này thể hiện rất rõ tại Kết luận điều tra về bản chất hành vi phạm tội và quá trình phạm tội của bị cáo Như. Từ giai đoạn chuẩn bị phạm tội, giai đoạn phạm tội và giai đoạn kết thúc tội phạm, chiếm đoạt tài sản, đủ căn cứ xác định hành vi Như chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng của 5 DN, đủ yếu tố cấu thành tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”...

Các luật sư Trương Thị Hoà, Trương Xuân Tám và Nguyễn Văn  Trung đã chứng minh ngay tại phiên toà các chứng cứ thể hiện Huyền Như và đồng phạm đã phạm tội lừa đảo như thế nào. Trong đó, cho thấy chính cán bộ, nhân viên của 5 DN cũng vì động cơ tư lợi, tiếp tay, tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo, chiếm đoạt 1.085 tỷ đồng.

Đơn cử ngay từ đầu, không phải Công ty Hưng Yên trực tiếp giao dịch gửi tiền vào Vietinbank Nhà Bè. Trái lại, thông qua những người bên ngoài, có quen biết với Huyền Như gồm: Giang Quang Chính (nhân viên Ngân hàng Phương Đông), Nguyễn Thị Nga (nhân viên Ngân hàng Hàng Hải)... Tương tự, vụ tiền gửi Công ty CP chứng khoán Saigonbank – Berjaya (SBBS), cũng thông qua Vũ Minh Hải (nhân  viên Công ty CP chứng khoán Đại Dương).

Hình ảnh tại phiên toà ngày 8.2. Ảnh: C.H

Không ngại ngần, luật sư Trương Thị Hoà đã thẳng thắn chỉ rõ: “Những DN nói trên, thực chất là “sân sau” của một số  ngân hàng. Việc lập tài khoản tại Vietinbank tưởng là hợp lệ, nhưng thực chất là bất hợp pháp, không dùng cho mục đích kinh doanh hay uỷ thác đầu tư gì cả, mà là địa chỉ chuyển tiền giao dịch, thoả thuận ngầm với Huyền Như về việc gửi tiền vào Vietinbank để hưởng lãi suất cao trái quy định của pháp luật”.

Luật sư Nguyễn Văn Trung cũng bác bỏ tất cả các đề nghị của các luật sư của 5 DN, yêu cầu Vietinbank phải đứng ra gánh trách nhiệm hoàn trả số tiền 1.085 tỷ đồng, do bị cáo Như lừa đảo chiếm đoạt. “Không thể bắt Vietinbank “đổ vỏ” cho kẻ lừa đảo, chỉ vì kẻ đó là ... nhân viên của Vietinbank”.

Bên cạnh đó, kết luận điều tra vụ án cũng chứng minh các nhân viên của phía gửi tiền đã thoả thuận nhận các khoản phí môi giới, lãi suất ngoài hợp đồng, tạo điều kiện cho Huyền Như lừa đảo. Đơn cử: Vũ Thị Mỹ Linh – kế toán trưởng Công ty SBBS và Vũ Minh Hải, được Huyền Như chuyển cho 25,5 tỷ đồng; Như cũng khai chi cho Lê Thị Thanh Phương (Ngân hàng Tiên Phong) khoảng 40 tỷ đồng.

Trong khi đó, phát biểu tại phiên toà, 2 kiểm soát viên là Hà Thị Bích Thu và Nguyễn Ngọc Lê cũng khẳng định Huỳnh Thị Huyền Như phạm tội lừa đảo. Như phải chịu trách nhiệm dân sự hoàn trả tiền đã chiếm đoạt cho các bị hại trong vụ án này.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn