MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh Hội nghị COP10 vừa qua. Ảnh: BTC.

Kết luận tại COP10: Tiếp tục nghiên cứu trước khi cập nhật khuyến nghị phù hợp về thuốc lá mới

Nhật Quang LDO | 21/02/2024 22:56

Từ ngày 5 đến ngày 10.2.2024 vừa qua đã diễn ra Hội nghị Các bên về Kiểm soát thuốc lá (COP) lần thứ 10 do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức với sự tham gia của các thành viên. Một trong những kết luận của hội nghị là sẽ thành lập nhóm chuyên trách để tiếp tục nghiên cứu và đưa ra khuyến nghị phù hợp nhất dành cho thuốc lá mới trong kỳ họp COP11 dự kiến diễn ra vào năm 2025.

Công ước khung FCTC: Các quốc gia tự chủ việc quản lý thuốc lá mới

Cũng tại Hội nghị COP10, điểm nổi bật khác chính là điều 2.1. Theo đó, điều khoản nêu rõ các bên thực thi chính sách đo lường, kiểm soát thuốc lá mới có thể vượt ngoài khuyến nghị của Công ước Khung về Kiểm soát thuốc lá (FCTC) để đạt được mục đích mà mỗi quốc gia đặt ra trên cơ sở tôn trọng nhân quyền, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tựu trung, Hội nghị quyết định việc đo lường, đánh giá đối với thuốc lá mới sẽ tiếp tục được nhóm chuyên gia chuyên trách thực thi và báo cáo tại hội nghị COP11 năm 2025. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa các quốc gia sẽ chờ đợi kết luận từ Hội nghị tại kỳ họp tiếp theo mà buông lỏng việc quản lý các mặt hàng này. Điều này sẽ chỉ làm tạo nhiều hệ lụy cho xã hội cũng như tạo thuận lợi cho thị trường chợ đen phát triển.

Giải quyết vấn đề trên, bà Nuntavarn Vichit-Vadakan (Thái Lan) - Chủ tịch Ủy ban nhóm chuyên trách thuộc COP10 đề xuất, các quốc gia có thể độc lập quyết định cách thức quản lý thuốc lá mới dựa trên tham khảo từ những dữ liệu của FCTC được công bố vào tháng 11.2023 vừa qua. Theo đó, các nước có thể thông qua các tổ chức đánh giá độc lập (không bị ngành thuốc lá tác động) để có những xét nghiệm, nghiên cứu toàn diện về thuốc lá mới, từ đó đưa ra quyết định, phù hợp với Điều 9 và 10 trong FCTC.

Trên thế giới ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ chính thức đưa thuốc lá mới vào quản lý, như New Zealand, Uruguay, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc), Ai Cập, Nepal…

Các bộ hiện đang đẩy nhanh tiến độ thống nhất quan điểm

Vừa qua, tại phiên chất vấn của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Y tế và Bộ Công Thương đã có nhiều lần họp mặt với nhau để đưa ra chính sách quản lý phù hợp đối với thuốc lá mới.

Hiện Bộ Công Thương đang nỗ lực xây dựng phương án quản lý phù hợp với chiến lược quốc gia về giảm thiểu tác hại thuốc lá, tuân theo chỉ đạo của Chính phủ, phù hợp với các thông lệ quốc tế.

Dẫn chứng các kinh nghiệm quốc tế, ông Cao Trọng Quý, đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cũng cho biết hiện đã có 184/195 quốc gia đã ban hành quy định quản lý thuốc lá làm nóng, 111/195 ban hành quy định quản lý thuốc lá điện tử, trong đó có Mỹ, Anh, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước trong khối ASEAN... Cơ chế quản lý 2 sản phẩm này còn khác nhau giữa các nước, nhưng điểm chung đều áp dụng quy định theo luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia.

Ông Cao Trọng Quý - đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương. Ảnh: BTC.

Mặt khác, giới chuyên gia trong nước cũng đã đóng góp nhiều ý kiến chuyên môn. Theo đó, PGS. TS. BS Trần Khánh Toàn, Giảng viên cao cấp Bộ môn Y học gia đình, Trường đại học Y Hà Nội trong buổi tọa đàm gần đây cho biết, việc thực hiện song song biện pháp giảm tác hại và chiến lược cai thuốc lá sẽ mang lại lợi ích kép cho cộng đồng.

Theo Điều 1, Quyết định số 780/QĐ-UBQLV ngày 29/12/2023 của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ban hành, định hướng phát triển của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) đến năm 2035 sẽ phát triển ngành thuốc lá bền vững gắn với đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc trong sản xuất và chế biến thuốc lá có hiệu quả nhằm sản xuất những sản phẩm giảm thiểu tác hại, hạn chế ô nhiễm môi trường, hướng tới mục tiêu vì sức khỏe cộng đồng và trách nhiệm xã hội.

Vì vậy, việc ban hành khung pháp lý cho các sản phẩm thuốc lá mới được kỳ vọng sẽ mang đến thay đổi tích cực cho cộng đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn