MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người dân đã đến ngõ 29, phố Khương Hạ để quyên góp, ủng hộ các gia đình gặp nạn trong vụ cháy chung cư mini. Ảnh minh hoạ: Khánh Linh

Kêu gọi ủng hộ nạn nhân vụ cháy chung cư mini thế nào cho đúng pháp luật?

KHÁNH AN LDO | 16/09/2023 10:43

Sau vụ cháy chung cư mini tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nhiều người đã đứng ra kêu gọi quyên góp, ủng hộ cho các nạn nhân. Vậy trong trường hợp này, cần kêu gọi như thế nào cho đúng pháp luật?

Theo Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư Hà Nội, dưới góc độ pháp lý, hoạt động từ thiện bản chất là việc tặng cho giữa người có tài sản và người đang có nhu cầu sử dụng.

Đây là quan hệ pháp luật phát sinh trực tiếp giữa người tặng cho và người nhận tặng cho. Tuy nhiên, còn có một hình thức từ thiện nữa là đứng ra kêu gọi người khác đóng góp ủng hộ cho người đang gặp khó khăn.

Người kêu gọi đồng thời là người tiếp nhận và phân phối quà, tiền từ thiện. Đây là hoạt động trung gian, với danh nghĩa là người đại diện theo ủy quyền.

Bản chất hoạt động này là quan hệ dân sự có 3 bên là bên tặng cho (bên có tài sản đóng góp để từ thiện), bên nhận ủy quyền để thực hiện việc tặng cho (người đứng ra kêu gọi và tiếp nhận hàng quà từ thiện) và bên nhận tặng cho (người đang gặp khó khăn cần sự giúp đỡ, dưới góc độ pháp lý gọi là người hưởng thụ).

Luật sư Cường cho biết, hoạt động thiện nguyện phải tuân theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27.10.2021 của Chính Phủ.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 2 Nghị định số 93/2021/NĐ-CP, ngoài các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được kêu gọi từ thiện, thì cá nhân có đủ năng lực hành vi được quyền tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. ​

Việc cá nhân tham gia vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp từ thiện được quy định cụ thể tại Mục 2, từ Điều 17 đến Điều 19 của Nghị định này như sau: ​Khi vận động, tiếp nhận, phân phối nguồn đóng góp tự nguyện để hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh, sự cố, cá nhân có trách nhiệm thông báo trên các phương tiện thông tin truyền thông về mục đích, phạm vi, phương thức, hình thức vận động, tài khoản tiếp nhận (đối với tiền), địa điểm tiếp nhận (đối với hiện vật), thời gian cam kết phân phối và gửi bằng văn bản đến UBND cấp xã nơi cư trú theo mẫu Thông báo ban hành kèm theo Nghị định này.

UBND cấp xã có trách nhiệm lưu trữ để theo dõi và cung cấp thông tin khi có yêu cầu của tổ chức, cá nhân đóng góp hoặc nhận hỗ trợ và cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác hướng dẫn, theo dõi, thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm.

​Cá nhân mở tài khoản riêng tại ngân hàng thương mại theo từng cuộc vận động để tiếp nhận, quản lý toàn bộ tiền đóng góp tự nguyện, bố trí địa điểm phù hợp để tiếp nhận, quản lý, bảo quản hiện vật đóng góp tự nguyện trong thời gian tiếp nhận; có biên nhận các khoản đóng góp tự nguyện bằng tiền mặt, hiện vật tiếp nhận được khi tổ chức, cá nhân đóng góp yêu cầu.

Cá nhân không được tiếp nhận thêm các khoản đóng góp tự nguyện sau khi kết thúc thời gian tiếp nhận đã cam kết và có trách nhiệm thông báo đến nơi mở tài khoản về việc dừng tiếp nhận các khoản đóng góp tự nguyện.

Ngoài ra, Nghị định này cũng nghiêm cấm việc báo cáo, cung cấp thông tin không đúng sự thật; chiếm đoạt; phân phối, sử dụng sai mục đích, không đúng thời gian phân phối, đối tượng được hỗ trợ từ nguồn đóng góp tự nguyện; Lợi dụng công tác vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện để trục lợi hoặc thực hiện các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn