MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông đánh kẻ trộm, bị truy tố tội giết người.

Khi trộm đột nhập tư gia, chủ nhà không được phép tấn công?

Cường Ngô LDO | 07/12/2017 07:30

Từ câu chuyện pháp lý của ông Lê Minh Phương, nhiều người thắc mắc khi trộm vào nhà, chủ nhà cần đối phó thế nào để không phạm tội, họ được tự vệ ở mức nào, hành xử ra sao để không phạm luật?

Vụ ông Lê Minh Phương (SN 1967, trú tại phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đánh thiếu niên 14 tuổi trọng thương vì lẻn vào nhà ăn trộm, bị khởi tố tội "Giết người", thay từ tội "Cố ý gây thương tích" được dư luận quan tâm mấy ngày nay.

Theo xác minh của Công an quận Bắc Từ Liêm, ông Phương là người đã chém Nguyễn Đăng Tùng (15 tuổi, cùng ở phường Tây Tựu) khi Tùng lẻn vào cửa hàng nhà ông Phương trong đêm. Kết quả giám định thương tích, nạn nhân bị tổn hại 61% sức khỏe.  

Căn cứ tỷ lệ thương tổn sức khỏe của Nguyễn Đăng Tùng, giới chức trách đã thay đổi tội danh của ông Phương từ "Cố ý gây thương tích" sang tội danh "Giết người" theo điều 93 Bộ luật Hình sự.

Từ tình huống trên, nhiều người cho rằng tư gia là thánh địa an toàn nhất, bảo vệ các thành viên trong gia đình, nên việc có kẻ đột nhập trái phép thì chủ nhà được tự vệ ở mức nào, hành xử ra sao trong khuôn khổ pháp luật?

Người đàn ông vướng lao lý vì đánh kẻ trộm.

Trước vấn đề này, luật sư Trương Anh Tú (Trưởng Văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) phân tích, hiện nay luật pháp không quy định cụ thể thẩm quyền của chủ nhà được phép hay không được phép tấn công khi trộm đột nhập tư gia.

"Phải hiểu rằng, kể cả khi kẻ trộm đột nhập vào "thánh địa" của mình, không có nghĩa sinh mạng của họ được toàn quyền do chúng ta quyết định", luật sư nói.

Tùy từng tình huống cụ thể, pháp luật "cho phép" gia chủ được quyền tự vệ (trong một chừng mực nhất định). Ví dụ như kẻ cướp mang theo hung khí như dao, gươm, súng... và có ý định tấn công thì gia chủ có quyền tấn công lại bằng một hình thức nào đó. Nếu lỡ tay tước đoạt mạng sống của kẻ trộm cũng không thể kết tội gia chủ vi phạm pháp luật, vì trong tình huống này, gia chủ có quyền tự vệ.

Luật sư Trương Anh Tú phân tích, khi kẻ trộm đột nhập vào nhà, chưa biết có hung khí hay không có hung khí, về nguyên tắc không được phép tấn công, đánh đập hay giết họ, chỉ được phép khống chế họ.

"Không được tấn công kẻ trộm trước nếu không nhận thấy kẻ trộm có chủ ý tấn công mình. Còn việc họ đột nhập vào lãnh địa của mình thì họ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Theo Hiến pháp, dù bất cứ hoàn cảnh nào, không ai có quyền tước đi mạng sống của người khác".

Trong trường hợp gia chủ tấn công kẻ trộm trước, khiến họ thiệt mạng hoặc thương tật cao thì "tội đến đâu xử đến đó. Quá trình điều tra của công an sẽ làm sáng tỏ, sự tấn công của anh có cần thiết, vừa đủ hay vượt quá giới hạn pháp luật cho phép".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn