MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hà Nội cho rằng, cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường sử dụng nhạc mạnh có độ ồn và độ rung lớn. Ảnh: Khương Duy

Khó khăn trong xử phạt vi phạm tiếng ồn của cơ sở sử dụng nhạc mạnh

Ái Vân LDO | 31/12/2023 19:37

Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng của địa phương gặp khó khăn khi quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng nhạc mạnh như chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng của độ ồn, độ rung của âm thanh phát ra từ các cơ sở kinh doanh có sử dụng nhạc mạnh.

Bộ Tư pháp đang thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 về kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường.

Nhiều nội dung góp ý liên quan tới điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke và dịch vụ vũ trường được các địa phương cho ý kiến. Đặc biệt là những quy định liên quan tới việc bãi bỏ một số quy định của Nghị định 54/2019/NĐ-CP.

Cụ thể, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) TP Hải Phòng đề nghị không bãi bỏ và giữ nguyên Khoản 3, Khoản 4, Điều 4 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP ngày 19.6.2019 của Chính phủ.

Sở VHTT TP Hải Phòng cũng đề nghị không bãi bỏ các Khoản 3, 4 và giữ nguyên quy định về khoảng cách đối với cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng tại Điều 5 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.

Sở VHTT TP Hà Nội cũng đề nghị cân nhắc giữ lại điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định 54.

Cơ quan này đưa ra lý do cơ sở kinh doanh dịch vụ vũ trường sử dụng nhạc mạnh có độ ồn và độ rung lớn, ảnh hưởng đến cộng đồng khu vực xung quanh, đặc biệt là những nơi cần yên tĩnh như trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa.

Cũng theo Sở VHTT TP Hà Nội, cơ quan chức năng của địa phương gặp khó khăn khi quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng nhạc mạnh như chưa có phương tiện hữu hiệu đo cường độ, âm lượng của độ ồn, độ rung của âm thanh phát ra từ các cơ sở kinh doanh có sử dụng nhạc mạnh.

Còn UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị giữ nguyên khoản 4, Điều 4 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP về quy định chốt cửa tại phòng hát karaoke do hiện nay tình trạng tệ nạn trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke diễn biến phức tạp, biến tướng nên việc bỏ quy định này thì gây khó khăn trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ sở kinh doanh.

UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho hay, thời gian qua, xuất hiện nhiều hoạt động như: hát cho nhau nghe, hát tại các quán ăn, nhà hàng, các câu lạc bộ, quán bar, quán rượu, các hình thức hát loa kéo, nhà hàng nhưng chưa có quy định cụ thể về điều kiện, quản lý đối với loại hình cơ sở kinh doanh dịch vụ có kết hợp âm nhạc này, gây khó khăn trong công tác quản lý nhà nước.

Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị nghiên cứu, bổ sung, làm rõ thêm các từ ngữ về “dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường” theo Điều 3, Nghị định số 54/2019/NĐ-CP của Chính phủ để thống nhất áp dụng trên cả nước.

Về các nội dung này, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho biết, tiếp thu và giữ nguyên quy định tại Khoản 4 Điều 4 và khoản 4 Điều 5 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP.

Trong nội dung của dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung đề xuất bãi bỏ các điều kiện kinh doanh quy định tại khoản 3 Điều 4 và khoản 3, khoản 5 Điều 5 Nghị định số 54/2019/NĐ-CP do không còn phù hợp với thực tế.

Hiện hành, theo Nghị định số 54/2019/NĐ-CP, Khoản 3 Điều 4 về Điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke: Phòng hát phải có diện tích sử dụng từ 20m2 trở lên, không kể công trình phụ.

Khoản 3 Điều 5 về Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường: Phòng vũ trường phải có diện tích sử dụng từ 80m2 trở lên, không kể công trình phụ.

Khoản 5 Điều 5 về Điều kiện kinh doanh dịch vụ vũ trường: Địa điểm kinh doanh phải cách trường học, bệnh viện, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử - văn hóa từ 200m trở lên.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn