MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một vụ án làm sổ đỏ giả để vay bên ngoài do hết đường trả nợ được TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử. Ảnh: Nhật Hồ

Khổ vì vay tiền lãi suất cao nhưng không thể tố cáo cho vay lãi nặng

NHẬT HỒ LDO | 29/09/2023 06:11

Bạc Liêu - Nhiều bị cáo phạm tội lừa đảo, nhưng đằng sau đó, lại là nạn nhân của hoạt động cho vay lãi suất cao, khi không trả lãi nổi phải mất nhà, mất đất.

Anh Trương Văn Vĩnh (tên nhân vật đã thay đổi - PV) nhiều lần làm hồ sơ xin vay ở rất nhiều ngân hàng trên địa bàn thành phố Bạc Liêu nhưng đều bị từ chối. Gia đình anh không nằm trong tiêu chí hộ nghèo nên không thể vay chính sách.

Cần tiền làm ăn, anh Vĩnh tìm cách vay bên ngoài 200 triệu đồng với lãi suất cao. Chỉ trong 1 năm, riêng tiền lãi, anh Vĩnh đã phải gồng mình đóng 240 triệu đồng dù nợ gốc vẫn còn nguyên. Đóng hơn 1 năm, anh không còn khả năng thanh toán.

Hơn 2 năm sau khi vay, nợ gốc cộng với tiền lãi lên gần 500 triệu đồng. Lúc này, chủ nợ yêu cầu anh chuyển nhượng mảnh đất của gia đình để làm tin, khi trả hết nợ thì hợp đồng chuyển nhượng sẽ được hủy bỏ, bằng không trong vòng 1 năm tiếp theo sẽ coi như lấy đất trừ nợ.

Một đối tượng cho vay lãi nặng, đòi nợ bằng cách đe dọa con nợ tại thành phố Bạc Liêu lãnh án 12 tháng tù. Ảnh: Nhật Hồ

Không cần nhiều thủ đoạn, những đối tượng cho vay như thế dễ dàng lấy tài sản (thường là nhà đất) của con nợ, vì chắc chắn một điều, thời gian càng dài, thì nợ chỉ càng tăng, chứ không có cách gì để trả.

Thế nhưng, để xử lý những đối tượng cho vay trá hình như vậy rất khó. Anh Vĩnh cho biết, họ không bao giờ ghi thỏa thuận lãi suất để cơ quan công an có thể điều tra; lãi chậm trả vài tháng là con nợ phải ký giấy vay mới (dồn lãi); nếu có ghi lãi suất cũng chỉ từ 2,5 - 3%, nhưng thực tế luôn cao hơn. Dù có tố cáo cũng rất khó xử lý, vì hợp đồng chuyển nhượng đất cũng được ký kết đúng quy định pháp luật, hình thức hợp pháp.

Những vụ án làm sổ đỏ giả liên tiếp được đưa ra xét xử tại Bạc Liêu cho thấy, những hợp đồng chuyển nhượng có công chứng mà nạn nhân bị lừa đảo hầu hết đều có quan hệ vay mượn. Người cho vay không phát hiện, bởi chưa chuyển tên. Khi sang tên mới phát hiện giấy chứng nhận quyền sở hữu đất là giả.

Luật gia Trương Kim Phương, Hội Luật gia tỉnh Bạc Liêu cho rằng, theo Điều 468, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật có liên quan quy định khác.

Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự được quy định tại Điều 201, Bộ luật Hình sự: Việc cho vay nặng lãi sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi lãi suất cho vay cao hơn gấp 5 lần trở lên mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự và thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, hiểu nôm na là phải cho vay với lãi suất cao hơn 8,3%/tháng thì mới đủ điều kiện có thể bị xử lý hình sự liên quan cho vay nặng lãi. Do đó, nhiều đối tượng lách luật bằng cách cho vay với lãi suất 8% hoặc thấp hơn một chút.

Không ít nạn nhân của những dạng cho vay như thế này khi được hỏi đều cho rằng, cần thay đổi quy định đối với tội cho vay nặng lãi với mức cao hơn gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất hiện nay không còn hợp lý. Bởi với mức vay từ 5% trở lên, nhiều người “khát vốn” cũng đã gần như ngập trong nợ nần, khó lòng thoát ra.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn