MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cụ bà Đặng Thị Nga cùng các con được bồi thường tổng cộng 5,7 tỉ đồng vì bị truy tố, xét xử oan sai. Ảnh: V.Dũng.

Khoản tiền bồi thường cho người oan sai do ai chi trả?

Việt Dũng LDO | 26/09/2020 07:30
Vừa qua, cụ bà Đặng Thị Nga (ở Tuần Giáo, Điện Biên) được TAND tỉnh Điện Biên đồng ý bồi thường 5,7 tỉ đồng vì kết án sai. Vậy theo quy định của pháp luật nguồn tiền chi trả sẽ được lấy từ đâu?

Theo Luật sư Nguyễn Minh Long (Công ty Luật Dragon, Đoàn Luật sư Hà Nội), trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Cụ thể, tại Điều 60 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định:

Điều 60. Kinh phí bồi thường

1. Nhà nước có trách nhiệm bố trí một khoản kinh phí trong ngân sách nhà nước để thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Kinh phí bồi thường bao gồm:

a) Tiền chi trả cho người bị thiệt hại;

b) Chi phí cho việc định giá tài sản, giám định thiệt hại.

2. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách trung ương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách trung ương.

3. Trường hợp cơ quan giải quyết bồi thường được bảo đảm kinh phí hoạt động từ ngân sách địa phương thì kinh phí bồi thường được bảo đảm từ ngân sách cấp tỉnh.

4. Bộ Tài chính, Sở Tài chính có trách nhiệm cấp phát kịp thời và đầy đủ kinh phí bồi thường.

Như vậy, khi có yêu cầu bồi thường đúng pháp luật, Nhà nước phải bố trí kinh phí để bồi thường cho người có yêu cầu. Tuy nhiên, khi Nhà nước bồi thường xong thì người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại (ví dụ: Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán…) phải có nghĩa vụ hoàn trả ngân sách một phần hoặc toàn bộ số tiền nhà nước đã bỏ ra bồi thường cho người dân theo quy định tại Điều 64 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.

Điều 64. Nghĩa vụ hoàn trả của người thi hành công vụ

1. Người thi hành công vụ có lỗi gây thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một phần hoặc toàn bộ số tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại.

2. Trường hợp có nhiều người thi hành công vụ cùng gây thiệt hại thì những người đó có nghĩa vụ hoàn trả tương ứng với mức độ lỗi của mình và thiệt hại mà Nhà nước phải bồi thường.

Luật cũng quy định đối với trường hợp người thi hành công vụ gây thiệt hại đã nghỉ việc nhưng không hưởng lương hưu hoặc không làm việc tại cơ quan, tổ chức nào khác thì cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại tại thời điểm người đó gây ra thiệt hại có trách nhiệm tổ chức thực hiện quyết định hoàn trả theo quy định của pháp luật.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn