MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toà án Nhân dân TPHCM xét xử các bị cáo trong một đường dây mua bán bộ phận cơ thể người. Ảnh: Anh Tú

Khởi tố 19 bị can về tội mua bán người, mua bán bộ phận cơ thể người

Huyền Trân LDO | 03/01/2024 21:46

TPHCM - Trong năm 2023, Công an thành phố tiếp nhận 11 tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người, trong đó đã điều tra, khám phá 6 vụ, khởi tố 19 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và mua bán bộ phận cơ thể người.

Ngày 3.1.2024, Ban Chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc TPHCM (gọi tắt Ban Chỉ đạo 138/TP) đã có báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống buôn bán người trên địa bàn TPHCM năm 2023.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, Công an thành phố tiếp nhận 11 tin báo liên quan đến tội phạm mua bán người, trong số đã điều tra, khám phá 6 vụ, khởi tố 19 bị can về tội mua bán người, mua bán người dưới 16 tuổi và mua bán bộ phận cơ thể.

Cụ thể, 2 vụ với 3 bị can về tội mua bán người dưới 16 tuổi; 2 vụ với 6 bị can về tội mua bán người; 1 vụ với 6 bị can về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi và 1 vụ với 4 bị can về tội mua bán bộ phận cơ thể người.

Theo Ban Chỉ đạo 138/TP, thời gian qua, trên địa bàn thành phố xuất hiện một số vụ án, vụ việc mua bán người mà nạn nhân không chỉ là phụ nữ, trẻ em, thực tế đã xuất hiện tình trạng mua bán trẻ sơ sinh, mua bán nội tạng, bộ phận cơ thể, đẻ thuê.

Nhiều đường dây tội phạm liên quan đến mua bán người và mua bán bộ phận cơ thể người thông qua mạng xã hội như Zalo, Wechat, Telegram, Facebook..., dụ dỗ, giới thiệu tìm việc nhẹ lương cao để lừa nạn nhân làm việc tại các quán massage, karaoke ép ký giấy nợ buộc nạn nhân thực hiện hành vi kích dục hoặc bán dâm để lấy tiền trừ vào "phí tuyển dụng".

Đồng thời, cũng xuất hiện tình trạng lừa gạt người Việt Nam sang nước ngoài (Campuchia, Trung Quốc) bằng đường vượt biên hoặc đi du lịch, sau đó bán nạn nhân vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh dịch vụ massage, karaoke trá hình, ép bán dâm hoặc bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản.

Ban Chỉ đạo 138/TP cho rằng, công tác phòng chống mua bán người vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc: việc giải quyết các vụ án mua bán người thường là án truy xét trên cơ sở tố giác của quần chúng và thông tin trên các phương tiện truyền thông, có vụ chỉ phát hiện khi người bị hại trốn được về địa phương trình báo nên việc thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn, khó chứng minh hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, việc xác định “thu lợi bất chính" do hành vi phạm tội còn khó khăn...

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn