MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hoà Bình Hoàng Công Lương tại cơ quan công an. Ảnh: PV

Khởi tố bác sĩ Lương vì “chưa có biên bản bàn giao” là thiếu căn cứ

Bảo Thắng LDO | 28/06/2017 11:38
Khởi tố bác sĩ vì cho rằng vi phạm về thủ tục hành chính, trong khi, bản chất của vụ án đó là việc tìm ra nguyên nhân trực tiếp dẫn đến 8 bệnh nhân chạy thận tử vong lại chưa được xem xét. Bởi vậy, việc khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương - Khoa Hồi sức tích cực - Đơn nguyên thận nhân tạo BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình - là không thuyết phục, thiếu căn cứ.

Đó là những phân tích của tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.

Theo luật sư Thiệp, việc Công an tỉnh Hoà Bình khởi tố bác sĩ Hoàng Công Lương (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hoà Bình) là chưa đi vào bản chất vụ việc. Việc căn cứ vào chi tiết “chưa có biên bản bàn giao” để khởi tố, trong khi, đã có thống nhất trên điện thoại là việc làm cứng nhắc, máy móc và thiếu căn cứ.

Ông Thiệp phân tích: “Hoạt động chuyên môn của  bác sĩ là một lĩnh vực đặc thù. Họ phải tuân thủ y lệnh trong công tác khám, chữa bệnh chứ không phải chịu trách nhiệm trong hoạt động mua bán, tiếp nhận thiết bị, vật tư và điều này đã được quy định cụ thể trong Quy chế khám chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành”.

Với phân tích này, luật sư Thiệp nhấn mạnh, việc bàn giao vật tư, thiết bị hay chưa, tuân thủ hình thức hay không, không phải trách nhiệm của bác sĩ Lương. Đó là trách nhiệm của giám đốc bệnh viện và các nhân sự liên quan.

Nhắc đến nguyên nhân tử vong của các bệnh nhân, luật sư Thiệp cho hay, trong kết luận giám định thể hiện, chất lượng nước có tồn dư hoá chất độc hại, vượt ngưỡng cho phép cả trăm lần. Điều này có nghĩa, câu chuyện bàn giao bằng văn bản hay qua điện thoại không phải nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hậu quả của vụ việc.

Luật sư Thiệp ví von: “Việc bác sĩ Lương bị khởi tố vì chưa có biên bản bàn giao nó giống như chuyện, một bác sĩ nào đó, khi đi làm vội, quên mang theo giấy phép lái xe, đến bệnh viện khám chữa bệnh, gây ra chết người thì bị khởi tố do lỗi “không có giấy phép lái xe”.

Với những phân tích nêu trên, tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp cho rằng, hiện nay, hệ thống các cơ quan tư pháp đang hết sức quan tâm đến chế định “không làm oan cho người vô tội”. Hơn nữa, ngành y vốn được đánh giá là một hoạt động chuyên môn nhạy cảm, được dư luận hết sức quan tâm, đặc biệt là câu chuyện nâng cao hiệu quả của công tác khám chữa bệnh. Bởi lẽ đó, việc xem xét, cân nhắc và khởi tố một bác sĩ thiếu thuyết phục có thể sẽ dẫn đến những hậu quả nặng nề.

Trước mắt, đó là câu chuyện gây hoang mang trong dư luận. Tiếp nữa, nếu chỉ vì một lỗi rất nhỏ trong thủ tục hành chính mà khởi tố, vậy các y bác sĩ có thật sự yên tâm cống hiến hay luôn trong tình trạng nơm nớp lo sợ, bởi tai hoạ có thể ập đến bất cứ lúc nào.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn