MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bà Hồ Thanh Phúc và ông Tề Trí Dũng đã bị bắt trước đó. Ảnh: LĐO

Khởi tố thêm 3 bị can liên quan đến vụ Tề Trí Dũng

Huân Cao - Anh Tú LDO | 17/06/2020 17:56

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã ban hành quyết định khởi tố nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận và nguyên Kế toán trưởng Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) về hành vi tham ô tài sản và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Ngày 16.6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đã khởi tố ông Trần Công Thiện - nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận; Huỳnh Phước Long - nguyên thành viên Hội đồng quản trị Công ty Sadeco; Đỗ Công Hiệp - nguyên Kế toán trưởng Sadeco, để điều tra hành vi "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Ba bị can trên bị khởi tố vì liên quan đến quá trình điều tra mở rộng vụ án Tề Trí Dũng (nguyên Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận) và Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên tổng giám đốc Công ty Sadeco).

Trước đó, ngày 15.5.2019, Cơ quan CSĐT - Công an TPHCM đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty (Sadeco) để điều tra về tội danh "tham ô tài sản" và "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí". Bà Hồ Thị Thanh Phúc bị bắt vì có một số sai phạm liên quan đến Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận.

Cơ quan CSĐT, Công an TPHCM cũng đã bắt tạm giam ông Tề Trí Dũng (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) về hai tội danh tham ô tài sản và vi phạm các quy định về quản lí sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí.

Năm 2017, tại đại hội cổ đông Sadeco gồm 4 thành viên: Tề Trí Dũng; Trần Đăng Linh, Phó Tổng Giám đốc IPC; bà Hồ Thị Thanh Phúc, Tổng Giám đốc Sadeco và ông Trần Mạnh Khôi, Phó Trưởng ban Kiểm soát Sadeco đã biểu quyết đồng ý 100% phương án tăng vốn điều lệ theo hình thức phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược.

Sau khi phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tỉ lệ sở hữu của nhóm cổ đông nhà nước tại Sadeco giảm từ 62,8% xuống chỉ còn 41% (trong đó tỉ lệ sở hữu vốn của IPC từ 44% giảm xuống chỉ còn 28,8%), còn cổ đông chiến lược chiếm tỉ lệ chi phối tại Sadeco là hơn 54% vốn điều lệ.

Điều đáng nói, trước khi bán cổ phần và cổ đông chiến lược chiếm quyền biểu quyết tại Cty có vốn nhà nước, IPC và Sadeco đã thuê Cty CP chứng khoán TPHCM thực hiện thẩm định giá tài sản dù Cty này không có chức năng.

Theo Thanh tra TPHCM, bản chất các vụ việc này là việc chỉ định đối tác chiến lược và chỉ định giá bán cổ phần không được tổ chức thẩm định giá hợp pháp. Việc làm này là trái quy định pháp luật, dẫn đến gây thiệt hại ít nhất 153 tỉ đồng (chỉ tính chênh lệch giá cổ phiếu); nếu tính đầy đủ giá trị gia tăng tài sản của Sadeco lúc thời điểm giá đất tăng cao, con số thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn