MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án Nhà máy thép Vạn Lợi đầu tư dang dở bị thu hồi, bán đấu giá được 205 tỉ đồng vào đầu năm 2019. Ảnh: Trần Tuấn

Khởi tố vụ án liên quan Dự án nhà máy thép 1.700 tỉ đồng ở Vũng Áng

TRẦN TUẤN LDO | 24/04/2020 12:04

Sáng 24.4, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng” xảy ra tại Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh và các tổ chức tín dụng có liên quan.

Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được thành lập vào tháng 5.2007 trên cơ sở góp vốn của Công ty TNHH Vạn Lợi 85% vốn điều lệ, Mitraco Hà Tĩnh 12% vốn điều lệ, Công ty CP Mangan góp 3% vốn điều lệ.

Ngày 6.6 2007, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với số vốn điều lệ 200 tỉ đồng. Lĩnh vực hoạt động của Công ty gồm khai thác quặng sắt, sản xuất gang, phôi thép và các sản phẩm, chế biến xỉ và fero mangan, bán buôn kim loại và quặng kim loại, bán buôn xe ôtô và xe có động cơ khác, sản xuất than cốc, sản phẩm chịu lửa, vận tải hàng hóa đường bộ, đường thủy, kinh doanh thương mại và xuất nhập khẩu.

Ngày 15.6.2007, Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp giấy chứng nhận đầu tư Dự án là Nhà máy Liên hợp Gang thép, công suất giai đoạn 1 là 250.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư 1.700 tỉ đồng tọa lạc trên diện tích 25 ha thuộc xã Kỳ Thịnh huyện Kỳ Anh (nay là phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh). Sau đó được điều chỉnh chứng nhận đầu tư lần 3 vào năm 2009.

Nguồn vốn triển khai dự án là huy động vốn vay từ các tổ chức tín dụng 85%, còn lại 15% là của chủ đầu tư. Theo chứng nhận đầu tư, đến tháng 8.2010, nhà máy sản xuất thử ra phôi thép thương phẩm. Tuy nhiên, dự án không thực hiện được như cam kết sau khi đầu tư, mua sắm khá nhiều máy móc, thiết bị rồi bỏ hoang từ năm 2010.

Trước tình trạng không thể đi vào hoạt động, năm 2016, Ban quản lý Khu kinh tế Hà Tĩnh đã thu hồi dự án này. Sau khi dự án bị thu hồi, nhiều ngân hàng dính nợ xấu. Đầu năm 2019, nhà máy thép Vạn Lợi được định giá tài sản là 108 tỉ đồng để tổ chức bán đấu giá. Cuối cùng, dự án được bán với giá 205 tỉ đồng cho một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Định.

Bước đầu, cơ quan điều tra xác định, việc cho vay của dự án nêu trên có dấu hiệu sai phạm liên quan đến năng lực tài chính của chủ đầu tư, chỉ định thầu, cho vay vốn không đảm bảo điều kiện. Dự án dang dở gây thất thoát cho các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Tĩnh với số tiền trên 1.554 tỉ đồng và gần 165.000 USD nên đã khởi tố vụ án để điều tra, làm rõ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn