MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Người đàn ông có dấu hiệu say xỉn, nằm giữa đường không đo nồng độ cồn. Ảnh: Quảng An.

Không chấp hành đo nồng độ cồn sẽ bị mức phạt cao nhất

Xuyên Đông LDO | 23/02/2024 13:08

Không hợp tác đo nồng độ cồn, người vi phạm không những không thể thoát phạt mà còn có thể phải chịu mức cao nhất.

Như Lao Động đã đưa tin, tối 22.2, người đàn ông say xỉn, không kiềm chế được hành động, liên tục chửi thề khi lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn. Sự việc xảy ra tại đoạn đường trước khu vực khách sạn Điện Biên (TP. Huế).

Khi lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra nồng độ cồn, người đàn ông này không chịu chấp hành, có dấu hiệu say xỉn, liên tục nói "thích chết", "bắn tao đi"... và chây ì, nằm giữa đường.

Chia sẻ về mức xử lý khi không chấp hành đo nồng độ cồn, luật sư Nguyễn Tình, Phó trưởng văn phòng Tinh hoa Việt cho biết, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì:

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị phạt tiền từ 6.000.000 đến 8.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Người điều khiển xe ôtô và các loại xe tương tự xe ôtô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ thì có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đến 40.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

Như vậy, mức xử phạt với người không hợp tác đo nồng độ cồn tương đương mức phạt ngưỡng nồng độ cồn cao nhất.

Mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn với xe máy:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở: Người vi phạm bị phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng. (Điểm đ Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 4 triệu đồng đến 5 triệu đồng (Điểm c Khoản 7 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm e Khoản 10 Điều 6).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm e Khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm g Khoản 10 Điều 6).

Mức phạt nồng độ cồn với ôtô như sau:

Nồng độ cồn chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng. (Điểm c Khoản 6 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng (Điểm e Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng. (Điểm c Khoản 8 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 16 tháng đến 18 tháng (Điểm g Khoản 11 Điều 5).

Vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Người vi phạm bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng. (Điểm a Khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (Điểm h Khoản 11 Điều 5).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn