MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường hợp không còn sổ hộ khẩu, người dân vẫn được nhập khẩu tại Hà Nội theo quy định của Luật Cư trú 2020. Ảnh: LĐO

Không còn sổ hộ khẩu, công dân nhập khẩu Hà Nội cần thủ tục gì?

Việt Dũng LDO | 01/07/2021 09:39
Hôm nay (1.7), Luật Cư trú có hiệu lực, trong đó quy định 9 trường hợp không cấp mới, thu hồi sổ hộ khẩu, song người dân vẫn được nhập hộ khẩu tại Hà Nội và các thành phố trực thuộc trung ương.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Minh Long – Công ty Luật TNHH Dragon (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho hay, việc thu hồi, không cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú được quy định tại Điều 38 của Luật Cư trú.

Theo quy định trên, trước tiên người dân sẽ bị xóa hộ khẩu tại nơi đăng ký thường trú cũ. Theo đó, người dân sẽ bị thu hồi sổ hộ khẩu theo Luật cư trú năm 2020.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 20, Điều 21 Luật Cư trú 2020, người dân nhập khẩu vào các thành phố lớn trong đó có Hà Nội thì tùy trường hợp nhập khẩu mà cần các giấy tờ như sau:

Trường hợp 1: Người dân sở hữu nhà ở Hà Nội

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp (sổ đỏ, sổ hồng).

Trường hợp 2: Đăng ký thường trú tại nhà người thân

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện về người khuyết tật, tâm thần… (nếu thuộc trường hợp này).

Trường hợp 3: Đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ, chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

Nơi nộp hồ sơ:

Hiện nay, Luật Cư trú chưa quy định cụ thể muốn nhập hộ khẩu Hà Nội thì nộp hồ sơ ở đâu mà chỉ quy định chung chung:

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình ở. Nếu không có gì thay đổi so với quy định cũ, hồ sơ đăng ký hộ khẩu thường trú tại Hà Nội được nộp tại cơ quan Công an cấp huyện.

Từ ngày 1.7.2021, Cơ quan đăng ký thường trú sẽ không cấp mới sổ hộ khẩu cho người dân mà mọi thông tin cư trú sẽ được cập nhật lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn