MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công tác hoà giải để giúp cho các bên đương sự ngồi lại với nhau trước khi khởi kiện, đưa ra toà giải quyết (ảnh minh họa). Ảnh: C.Hùng

Không được ghi âm, ghi hình khi đối thoại, hoà giải tại toà án

Việt Dũng LDO | 27/12/2020 12:26
Trong quá trình hoà giải, đối thoại không được ghi âm, ghi hình, ghi biên bản. Việc lập biên bản chỉ được thực hiện để ghi nhận kết quả hoà giải, đối thoại.

Đây là một trong các điểm nổi bật của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2021.

Ngoài quy định trên, tại Điều 4 về Bảo mật thông tin hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Luật này còn quy định: Hòa giải viên, các bên, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại không được tiết lộ thông tin mà mình biết được trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Chỉ trong trường hợp có sự đồng ý của bên đã cung cấp thông tin thì Hòa giải viên, các bên tham gia hòa giải, đối thoại; cơ quan, tổ chức, cá nhân khác được mời tham gia hòa giải, đối thoại mới được tiết lộ thông tin mà mình biết trong quá trình hòa giải, đối thoại.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng không được sử dụng lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc trừ các trường hợp:

Bên trình bày đồng ý sử dụng lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ;

Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật.

Luật hòa giải, đối thoại tại Tòa án cũng quy định nếu cơ quan, tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định nêu trên thì sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng tiến hành Hoà giải, đối thoại. Tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án nêu rõ có 7 trường hợp sẽ không thể tiến hành hòa giải, đối thoại tại Tòa án: Yêu cầu đòi bồi thường do gây thiệt hại đến tài sản của Nhà nước; Những vụ việc phát sinh từ giao dịch dân sự vi phạm điều cấm của luật hoặc trái đạo đức xã hội;

Người khởi kiện, bị kiện… đã được mời tham gia hòa giải, đối thoại hợp lệ lần 2 nhưng vẫn vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan hoặc không thể tham gia vì lý do chính đáng;

Một bên vợ hoặc chồng trong tranh chấp ly hôn là người mất năng lực hành vi dân sự; Một trong các bên đề nghị không hòa giải, đối thoại; Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Việc quy định như trên vừa phù hợp với tính chất hòa giải, đối thoại vừa phù hợp với Điều 206, Điều 207 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Điều 135 Luật Tố tụng hành chính năm 2015.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn