MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Được công an huyện Ea Súp vận động, vợ chồng anh Y Nal Siu đã giao nộp 2 khẩu súng tự chế. Ảnh: Tiến Thoại

Không tự nguyện giao nộp, phát hiện tàng trữ, sử dụng vũ khí bị xử lý ra sao?

Vĩnh Hoàng LDO | 23/07/2023 16:03

Việc cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là điều bị nghiêm cấm, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Thời gian vừa qua, tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ sử dụng súng để giải quyết mâu thuẫn, thậm chí manh động hơn là dùng súng tấn công vào trụ sở của UBND xã.

Điển hình tại Đắk Lắk, gần giữa tháng 6.2023, hai nhóm đối tượng có vũ khí đột nhập tấn công trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin.

Hậu quả là 11 người thương vong, trong đó có 9 người chết gồm 4 công an xã; 2 cán bộ xã và 3 người dân; có 2 cán bộ công an xã bị thương.

Nhằm bảo đảm an ninh trật tự, Công an tỉnh Đắk Lắk đã triển khai kế hoạch mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo.

Theo đó, lực lượng công an các cấp trên địa bàn tỉnh vào các buôn làng vùng sâu, vùng xa để đổi gạo lấy súng.

Sau quá trình vận động, Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu hồi được 4.576 vũ khí (gồm: 1.278 súng các loại, 2.666 viên đạn…), vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và pháo, 5,2 kg đạn chì, 1,7 kg thuốc nổ.

Người dân mang vũ khí đến đổi gạo, hưởng ứng hoạt động ý nghĩa của Công an huyện Ea H'leo. Ảnh: Tiến Thoại

Hoạt động “đổi gạo lấy súng và vật liệu nổ” là hoạt động ý nghĩa, nhận được sự đồng thuận cao.

Trao đổi với Lao Động, luật sư Bùi Đình Ứng (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) - cho biết, đây không phải lần đầu tiên công an các tỉnh nói chung và Công an tỉnh Đắk Lắk nói riêng vận động người dân giao nộp vũ khí.

Theo luật sư Ứng, hoạt động này không những bảo đảm bình yên cho nhân dân, mà còn lồng ghép tuyên truyền pháp luật về về tác hại, hậu quả của việc sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

"Đối với những người dân tự nguyện giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ thì sẽ được miễn xem xét trách nhiệm về tội tàng trữ trái phép vũ khí. Còn đối với những cá nhân không tự nguyện giao nộp mà sau bị phát hiện thì sẽ bị xử lý theo pháp luật", luật sư Ứng phân tích.

Trong khi đó, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, việc cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là điều bị nghiêm cấm, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư Lực viện dẫn, theo điểm a khoản 5 Điều 11 Nghị định 144/2021 thì phạt tiền 20-40 triệu đồng đối với người nào chế tạo, trang bị, tàng trữ, vận chuyển, sửa chữa, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao.

Về trách nhiệm hình sự, điều 304 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự thì bị phạt tù 1-7 năm.

Trường hợp sử dụng vũ khí quân dụng làm chết người thì bị phạt tù 5-12 năm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn