MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Khu đất liên quan đến việc định khiến Nguyễn Long Vân bị khởi tố Ảnh: Ngọc Pháp

“Kỳ án” Nguyễn Long Vân ở Lâm Đồng: “Xử” tội vì… dấu hiệu!

Phùng Bắc LDO | 13/05/2017 17:52
Năm 2010, chấp hành viên Thi hành án Đà Lạt - Nguyễn Long Vân bị khởi tố vì cho rằng định giá tài sản thấp, gây thiệt hại cho người phải thi hành án. Tuy nhiên, đến nay đã  7 năm, vụ án vẫn chưa xét xử. Vụ "kỳ án" càng kỳ lạ hơn khi cơ quan tố tụng chỉ dựa vào "dấu hiệu" để truy tố hình sự đối với ông Vân.

Vì sao tòa án trả hồ sơ?

Suốt 7 năm qua, ông Nguyễn Long Vân (nguyên chấp hành viên Thi hành án Đà Lạt) đã khốn khổ vì bị khởi tố rồi nhưng vụ án vẫn chưa được xét xử. Đây là một vụ án có dấu hiệu người bị truy tố bị oan. Cụ thể như ngày 25.3.2015, TAND tỉnh Lâm Đồng ra quyết định số 04/2015/HSST-QĐ trả hồ sơ cho VKSND Tối cao nêu: “Kết quả điều tra bổ sung xác định việc bán đấu giá đúng quy định, người mua trả cao hơn giá khởi điểm, không có cơ sở xác định những người tham gia đấu giá thông đồng, dìm giá. Như vậy, nếu công nhận kết quả bán đấu giá nhưng không công nhận giá trị tài sản theo như bán đấu giá là mâu thuẫn”.

Trong khi đó, ngày 30.11.2016, VKSND Tối cao có công văn 4935/VKSTC gửi TAND tỉnh Lâm Đồng: “Căn cứ vào tài liệu điều tra, có cơ sở xác định những người tham gia mua đấu giá có dấu hiệu không khách quan; chính hành vi định giá tài sản thấp của Nguyễn Long Vân là nguyên nhân để người tham gia đấu giá mua tài sản rẻ, thấp hơn giá thị trường, gây thiệt hại cho người có tài sản phải thi hành án”. Và VKSND Tối cao giữ nguyên nội dung bản Cáo trạng số 35/VKSTC-V1A ngày 27.8.2014 truy tố ông Vân.

Kỳ lạ, việc truy tố, xử lý hình sự một con người mà chỉ dựa vào “dấu hiệu”(!?). Dấu hiệu vi phạm là cơ sở để các cơ quan tố tụng tiến hành các hoạt động tố tụng chứng minh hành vi vi phạm. Sau khi vi phạm được chứng minh thì mới có thể áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định pháp luật. Dựa vào “dấu hiệu không khách quan” để truy tố ông Vân liệu có đúng pháp luật, có cơ sở hay không?

Tự mâu thuẫn…

Cáo trạng không có bất cứ nội dung nào nêu về “dấu hiệu không khách quan”, nhưng công văn số 4935 VKSND Tối cao lại bổ sung tình tiết mới này là hoàn toàn bất lợi cho ông Vân và làm ảnh hưởng đến quyền bào chữa.

Trong hồ sơ vụ án, kết quả điều tra đều không có nội dung nào thể hiện việc bán đấu giá vi phạm pháp luật, hay những người tham gia đấu giá không khách quan, thông đồng, dìm giá. Kết quả đấu giá đã được công nhận, người trúng đấu giá là một doanh nghiệp đã được cấp “sổ hồng”. Càng mâu thuẫn với chính bản thân của một cơ quan tố tụng, đó là tại công văn số 44/VKSTC ngày 7.11.2015 gửi TAND tỉnh Lâm Đồng, chính VKSND Tối cao nêu: “Kết quả điều tra bổ sung không có cơ sở xác định những người tham gia đấu giá mua tài sản thông đồng, dìm giá… Những người tham gia đấu giá đều có mặt, họ trả giá mua tài sản cao hơn giá khởi điểm, đúng quy định. Kết quả đấu giá, trúng giá được Trung tâm bán đấu giá lập biên bản và Công chứng viên xác nhận. Phía Trung tâm bán đấu giá thực hiện việc điều hành phiên đấu giá đúng trình tự quy định theo pháp luật, không vi phạm”.

Như vậy, với kết quả bán đấu giá là đúng luật và đã được công nhận, thì giá trị tài sản trúng đấu giá là khách quan và phải được công nhận. Vậy vì sao phải truy tố ông Vân?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn