MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhà máy chè tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vẫn ngang nhiên hoạt động khi chưa có chủ trương đầu tư. Ảnh: Thanh Bình

Lai Châu: Nhà máy chè "hoạt động chui cả năm" được cấp chủ trương đầu tư

LDO | 26/03/2023 18:18

Thay vì nghiêm khắc xử lý những sai phạm như phản ánh của Báo Lao Động, UBND tỉnh Lai Châu lại "chữa cháy" bằng cách chính thức cấp chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp.

Ngày 10.3, Báo Lao Động đã có bài phản ánh "Nhà máy chè khổng lồ hoạt động chui trên đất nông nghiệp".

Theo đó ngay từ thời điểm tháng 2.2022, dù chưa được các cấp chức năng cho phép, Công ty TNHH Một thành viên giống vật tư Nông nghiệp Tây Bắc do ông Đỗ Việt Trung làm giám đốc đã ồ ạt cho xây dựng một nhà máy chè trên diện tích hàng ngàn m2 tại xã Bằng Giang, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.

Không chỉ vậy, công trình xây dựng lại nằm phần lớn trên diện tích đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng.

Mặc dù đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng xử phạt với số tiền từ vài chục đến cả trăm triệu đồng và yêu cầu tháo dỡ, hoàn nguyên, nhưng công ty này không những không chấp hành mà còn tiếp tục công khai hoạt động suốt thời gian qua.

Nhà máy chè được xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đã nhiều lần bị xử phạt.

Vậy nhưng sau khi đăng bài phản ánh, nguồn tin mới nhất của Lao Động cho biết, thay vì có động thái cứng rắn nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật thì mới đây, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định nhằm chấp thuận cho nhà máy kể trên được đầu tư, xây dựng.

Cụ thể, tại Quyết định số 461/QĐ-UBND do ông Hà Trọng Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký đóng dấu ngày 20.3.2023 nêu rõ: Chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận Nhà đầu tư cho Công ty TNHH Một thành viên giống vật tư Nông nghiệp Tây Bắc được phép đầu tư, xây dựng nhà máy chè tại xã Bản Giang, huyện Tam Đường.

Dự án có tổng diện tích hơn 5.000 m2; công suất 6.500 tấn búp chè tươi/năm, tương ứng 1.250 tấn chè thương phẩm/năm; tổng vốn đầu tư 30 tỉ đồng.

Việc làm của UBND tỉnh Lai Châu lập tức gây nhiều dư luận trái chiều. Không ít người thắc mắc, liệu quyết định này có khiến doanh nghiệp nhờn luật với tâm lý "cứ làm sai rồi sẽ được hợp thức hóa"?

Luật sư Nguyễn Danh Huế. Ảnh: Lao Động

Soi chiếu dưới góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Danh Huế (Công ty TNHH Luật Hừng Đông - Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, Quyết định này của UBND tỉnh Lai Châu có thể sẽ tạo tiền lệ xấu và tâm lý chủ quan cho doanh nghiệp.

"Tôi rất hiểu là với các tỉnh còn nhiều khó khăn như Lai Châu, họ rất cần các dự án đầu tư, đặc biệt giải quyết nhu cầu việc làm và nguồn nông sản cho bà con. Nhưng pháp luật cần phải được thượng tôn, nghĩa là đặt lên hàng đầu", luật sư Huế nói.

Theo luật sư Huế, khoản 1 Điều 3 Luật Đầu tư 2020 quy định: chấp thuận chủ trương đầu tư là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận về mục tiêu, địa điểm, quy mô, tiến độ, thời hạn thực hiện dự án; nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư và các cơ chế, chính sách đặc biệt (nếu có) để thực hiện dự án đầu tư.

Quyết định của UBND tỉnh Lai Châu thể hiện rõ việc thừa nhận doanh nghiệp đã triển khai dự án trước đó cả năm. 

Từ đó có thể thấy sau khi được chấp thuận chủ trương, doanh nghiệp còn phải làm thêm nhiều bước nữa mới được cấp Quyết định đầu tư, rồi mới đến khởi công, xây dựng, đi vào hoạt động.

Thế nhưng ngay trong trong mục 9, điều 1 của Quyết định này thể hiện rõ UBND đã biết việc Công ty TNHH Một thành viên giống vật tư nông nghiệp Tây Bắc cố ý làm sai từ thời điểm đầu năm 2022. Dẫn đến dù quyết định chủ trương đầu tư ghi ngày 20.3.2023, nhưng thời điểm khởi công lại là quý I.2022.

"Điều này thể hiện UBND Lai Châu đã chấp nhận cái sai của doanh nghiệp và đồng ý hợp thức cho cái sai đó thành đúng", vị luật sư nói.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn