MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những website hay app vay trực tuyến đều có điểm chung là thủ tục hết sức đơn giản, vay siêu tốc.

Lãi suất 720%/năm, còn bị bêu tên “truy nã”

NHÓM PV LDO | 16/11/2019 13:30

Tận dụng nhu cầu lớn đến từ hoạt động vay vốn, các hình thức vay tiền qua trang web, ứng dụng (app) online mọc lên như nấm sau mưa. Tuy nhiên, bên cạnh sự nhanh chóng, tiện lợi cho người vay, hệ quả đằng sau lại là vô vàn mặt trái của tín dụng đen trá hình: Lãi suất từ 500-720%/năm; bị bêu người vay và thân nhân của họ trên mạng như truy nã...

Bẫy lừa lãi suất lên đến 720%/năm

Theo tìm hiểu của phóng viên Lao Động, mô hình vay trực tuyến qua trang web, ứng dụng có một quy trình vay nhanh đến “chóng mặt”: Không cần thế chấp bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào, đổi lại, người vay chỉ cần cung cấp thông tin cá nhân bao gồm tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại, đi kèm là thông tin của gia đình hoặc đồng nghiệp là đã có thể vay thành công.

Chỉ cần vào các công cụ tìm kiếm, gõ từ khoá “vay trực tuyến”, “vay nhanh”, nhan nhản các ứng dụng cho vay tiền siêu nhanh hiện ra với những lời mời hấp dẫn như: “Vay tiền không cần thế chấp”, “vay không cần gặp mặt”, “chỉ 30 giây có tiền ngay”.

Để mục sở thị quy trình của các dịch vụ này, nhóm PV quyết định trải nghiệm app doctordong để đăng ký vay mức tiền 10 triệu đồng. Trên ứng dụng này, thủ tục đăng ký rất đơn giản, người vay cần cung cấp số điện thoại, thông tin cá nhân, đồng nghiệp và người thân lên ứng dụng. Chỉ sau 5 phút, nhóm PV đã nhận được tin nhắn thông báo hồ sơ khoản vay “được duyệt”. Ngay lập tức, một cuộc gọi từ số máy lạ gọi tới và giới thiệu là “nhân viên hỗ trợ tài chính”, gọi đến xác minh thủ tục chuyển tiền.

Nhưng câu chuyện đằng sau khoản “vay nhanh” không hề đơn giản. Theo tìm hiểu PV, mặc dù lãi suất công bố trên trang web chỉ có 10,95%/năm, nhưng mặc định khi duyệt hồ sơ, người vay sẽ phải cõng thêm nhiều loại phí rất bất thường như “phí dịch vụ”, “phí tư vấn”… với số tiền lãi rất cao. Cụ thể, nếu đăng ký vay 10 triệu đồng với thời gian vay 20 ngày, tổng số tiền mà người vay phải thanh toán là 12.940.000 đồng. Số tiền này tương đương với lãi suất 44,1%/tháng và lên tới 529,2%/năm.

Tương tự, một app có tên “Vinacash” cho vay mức tiền 2.500.000 đồng trong 15 ngày số tiền giải ngân là 2.275.000 đồng, phí dịch vụ: 225.000 đồng, phí lãi 750.000 đồng. Số tiền phải trả khi đến hạn tổng cộng là 3.250.000 đồng, tức khoảng 60%/tháng và 720%/năm.

Còn trên một trang web roboX, trang này không công bố rõ lãi suất cho vay mà chỉ đưa ra thông tin “số tiền vay càng nhiều, phí và lãi suất càng ít”. Vậy nhưng, khi đăng ký vay 10 triệu đồng, thời gian vay 30 ngày thì tổng số tiền mà khách hàng phải thanh toán lên tới 15.465.000 đồng. Thực tế, nếu tính lãi suất cộng với phí dịch vụ, người vay đã phải gánh chịu phí vay vốn là 5.465.000 đồng, quy đổi theo mức lãi suất tương đương với 54,65%/tháng và hơn 655%/năm.

Đòi nợ như “khủng bố”

Phản ánh về cách thức đòi nợ của các app vay trực tuyến, một độc giả của Báo Lao Động cho biết: “Trước 1 đến 3 ngày đến hạn, bên cho vay sẽ cho đòi nợ bằng cách điện thoại hoặc nhắn tin liên tục. Trường hợp người vay không nghe điện thoại, trễ hẹn trả nợ, bên cho vay sẽ liên tiếp uy hiếp bằng việc vu khống cho nạn nhân là trốn nợ, đăng truy nã lên mạng xã hội hoặc hù dọa sẽ quấy rối người thân và bạn bè của con nợ”.

Thật vậy, chia sẻ với PV, chị Thu Trang (nhân viên văn phòng, TPHCM) bức xúc cho biết, khi chị đang đi công tác tại Hà Nội thì được bạn bè báo tin mình bị truy tìm trên mạng vì món nợ 30 triệu đồng. Nhiều bài đăng đòi nợ chia sẻ ảnh và thông tin của chị khắp các diễn đàn. Không chỉ bị bêu xấu trên mạng xã hội, hình ảnh chị còn được dán trên cột điện đầu ngõ địa chỉ nhà với nội dung “Trốn đâu thì về trả nợ ngay”!

Liên hệ với số điện thoại rêu rao trốn nợ, chị Trang nhận được câu trả lời thản nhiên: “Đồng nghiệp của chị có vay của công ty tín dụng 30 triệu đồng, quá 20 ngày trả nợ nhưng tắt điện thoại không liên lạc được. Trong hợp đồng vay tiền, có xác nhận chị là đồng nghiệp với người trốn nợ nên công ty chúng tôi tiến hành dán ảnh thông báo đòi nợ để thu hồi tiền”.

Trường hợp chị Ngô Mai Anh (quận 4, TP.Hồ Chí Minh) còn éo le hơn, khi một người bạn thân vay trên mạng khoản tiền 20 triệu đồng, nhưng lại cho số điện thoại của chị để xác minh. Vì suy nghĩ không phải là người vay và nhận tiền, nên chị Mai Anh có xác nhận quen biết với người này. Đến ngày trả nợ, do bạn thân không trả đúng hẹn nên hình ảnh của hai người bị dán ở khắp các cột đèn giao thông.

Không chỉ vậy, thông tin đòi nợ còn được gửi đến hàng trăm bạn bè của chị Mai Anh trên facebook và ngập tràn trên các trang mạng xã hội. Chưa dừng lại, các đối tượng cho vay lãi tiếp tục đe doạ sẽ tạt dầu nhớt bẩn vào nhà, buộc chị phải trả nợ thay cho người vay.

Theo luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội), việc đòi nợ bằng cách làm nhục đăng ảnh lên facebook, dán ảnh lên cột điện… là đi quá giới hạn cho phép theo quy định của pháp luật. Nếu bên cho vay đưa thông tin không đúng sự thật lên mạng xã hội làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người vay và những người không liên quan, thì nạn nhân có quyền yêu cầu bên cho vay dừng ngay việc phát tán. Ngoài ra, nạn nhân có quyền khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại và xin lỗi công khai. “Người đăng thông tin có thể còn bị xử phạt hành chính theo quy định tại điểm G khoản 3 Điều 166 Nghị định 174/2013 với mức phạt từ 10-20 triệu đồng đối với các hành vi sau: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác” - luật sư Lực cho biết.

Đầu tháng 11, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) đã phối hợp, chỉ đạo Phòng Cảnh sát Hình sự Công an TPHCM điều tra vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” do các đối tượng người Trung Quốc cùng đồng bọn thực hiện tại TPHCM và các tỉnh, thành phố trên cả nước. Qua điều tra, Bộ Công an xác định nhóm đối tượng này đã cho người dân vay với lãi suất 4,4%/ngày, tương đương 1.600%/năm. Theo đó, các đối tượng lập công ty tài chính, thuê người đứng tên giấy phép kinh doanh và xây dựng các ứng dụng cho vay tiền trực tuyến như Vaytocdo, Moreloan, VD online... Trên cơ sở đó, Bộ Công an nhận định đây là hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao, ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến. Với lãi suất cao và các chiêu thức đòi nợ nguy hiểm, hình thức này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả người vay và người cho vay. Bộ Công an khuyến cáo người dân trực tiếp đến các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin cậy để được hỗ trợ khi gặp khó khăn tài chính, đồng thời cảnh giác cao với vay tiền qua các ứng dụng trên mạng Internet.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn