MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lái xe Đỗ Đình Tám (bên trái) vi phạm nồng độ cồn và chống người thi hành công vụ. Ảnh Công an Hòa Bình

Lái xe uống rượu chống người thi hành công vụ bị phạt tù tới 7 năm

Minh Hạnh LDO | 10/04/2023 13:06

Từ cuối tháng 12.2022, nhiều địa phương đã ra quân xử lý nghiêm người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn. Được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ, tuy nhiên vẫn có một số đối tượng chống đối lại người thi hành công vụ khi bị kiểm tra. Nhiều ý kiến cho rằng cần phải xử lý nghiêm hơn nữa đối với những người này.

Ngày 8.4.2022, Công an quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết đang củng cố hồ sơ xử lý đối tượng C.V.T.B (sinh năm 1978; ở phường Liễu Giai, quận Ba Đình, Hà Nội) về hành vi tấn công Tổ công tác 141 đo nồng cồn.

Trước đó, khoảng 20h30, ngày 6.4, Công an phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng phối hợp với Tổ công tác 141 Công an thành phố Hà Nội, làm nhiệm vụ tại số 81 Lạc Trung, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng tiến hành dừng xe máy biển kiểm soát 29N1-760.68 do N.N.T (sinh năm 1993; ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) điều khiển, phía sau chở C.V.T.B để kiểm tra và yêu cầu thổi nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện. Kết quả kiểm tra trong hơi thở của T có nồng độ cồn là 0,699miligram/lít khí thở, vượt gần gấp đôi mức vi phạm kịch khung.

Khi Tổ công tác đang lập biên bản vi phạm, thì C.V.T.B là đối tượng ngồi sau có dấu hiệu đã sử dụng rượu, bia, đã có hành vi cản trở, lăng mạ tổ công tác. Đỉnh điểm là B đã dùng điện thoại di động đập vào đầu một chiến sỹ của tổ công tác. Tổ công tác đã khống chế, đưa 2 đối tượng trên về Công an phường Vĩnh Tuy xác minh, xử lý theo quy định.

Kiểm tra nồng độ cồn lái xe. Ảnh: Tô Thế

Trước đó, ngày 3.2.2023, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.Hòa Bình, đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với Đỗ Đình Tám (SN 1957, trú tại xã Hòa Bình, TP. Hòa Bình). Tám là lái xe vi phạm nồng độ cồn vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở và chống người thi hành công vụ, khiến 1 chiến sĩ CSGT bị thương… 

Trên đây là trong số rất nhiều vụ, khi bị lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn các “ma men” đã tấn công người thực thi công vụ.

Lái xe say rượu chống người thi hành công vụ. Ảnh: Thanh Tuấn

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Kết Nối cho biết, theo quy định tại Thông tư 65/2020/TT-BCA, khi tiến hành tuần tra kiểm soát, Cảnh sát Giao thông (CSGT) hoàn toàn có quyền kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về giao thông đường bộ và pháp luật có liên quan của người và phương tiện tham gia giao thông để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý vi phạm. Như vậy, CSGT hoàn toàn có quyền yêu cầu người tham gia giao thông dừng xe và thổi nồng độ cồn.

Theo đó, những hành vi chống đối, không tuân thủ hiệu lệnh của người thi hành công vụ là những biểu hiện của sự coi thường pháp luật của người vi phạm. Đối với hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng tùy vào tính chất mức độ của hành vi, hậu quả xảy ra người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội chống người thi hành công vụ với mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.

Trong trường hợp hành vi chống người thi hành công vụ nếu gây thương tích hoặc làm chết cán bộ thi hành công vụ thì người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về "Cố ý gây thương tích" hoặc tội "Giết người".

Theo đó, người tham gia giao thông nên chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng bởi việc từ chối kiểm tra nồng độ cồn sẽ khiến người điều khiển xe sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng khi xử lý cần kiên quyết, không khoan nhượng trước hành vi chống đối không chấp hành hiệu lệnh, xử lý dứt khoát khi phát hiện vi phạm.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn