MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
UBND TP đã có văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành ứng dụng, khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Ảnh: Công an Hà Nội

Lạm dụng việc xác nhận cư trú là phiền hà, hành dân

Quang Việt LDO | 20/02/2023 08:36
Theo Công an Hà Nội, hiện có tình trạng cán bộ UBND lạm dụng việc yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú, gây phiền hà cho nhân dân.

Yêu cầu xuất trình xác nhận cư trú gây phiền hà, bức xúc

Sổ hộ khẩu, sổ tạm trú không còn giá trị sử dụng trong các thủ tục hành chính từ ngày 1.1. Thay vào đó, cơ quan chức năng quản lý thông tin về cư trú của công dân trên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Sau khi 2 loại giấy tờ trên hết hiệu lực sử dụng, nhiều công dân phản ánh một số cơ quan hành chính các cấp vẫn yêu cầu giấy xác nhận thông tin về cư trú khi giao dịch. Điều này gây ra nhiều bất cập, tốn kém thời gian.

Nói về tình trạng trên, đại diện Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) khẳng định từ ngày 1.1, tổ chức và cá nhân thực hiện một trong 7 phương thức do Bộ Công an hướng dẫn để sử dụng thông tin công dân thay việc xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú.

C06 nhấn mạnh trường hợp cán bộ hành chính ở UBND các cấp hoặc đơn vị khác mà có đủ điều kiện thực hiện giao dịch, nhưng không sử dụng các phương thức nêu trên để chứng minh nơi cư trú, mà vẫn buộc dân phải ra công an cấp xã xin giấy xác nhận cư trú là “hành dân”.

Trong 7 phương thức nêu trên, Bộ Công an nêu rõ sử dụng căn cước công dân gắn chip (phương thức thứ nhất) là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cư trú.

Khi công dân xuất trình thẻ gắn chip theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, thì các đơn vị không được yêu cầu công dân trình thêm giấy tờ khác chứng nhận thông tin về căn cước.

Công an Hà Nội cũng nhìn nhận, sau hơn 1 tháng bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, bên cạnh phần lớn người dân hài lòng với sự thay đổi, cải cách thủ tục hành chính, xuất hiện tình trạng cán bộ UBND lạm dụng việc yêu cầu công dân xuất trình giấy xác nhận cư trú. Việc làm này đang gây rất nhiều bức xúc cho nhân dân.

“Hiện UBND TP đã có văn bản chỉ đạo và tăng cường công tác kiểm tra công vụ để chấn chỉnh. Tuy nhiên lực lượng công an cũng cần phát huy vai trò cơ quan thường trực Đề án 06 để kịp thời phát hiện những vấn đề bất cập gây phiền hà cho nhân dân để tham mưu Ban chỉ đạo 06 cấp huyện chỉ đạo chấn chỉnh” - chỉ huy Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an Hà Nội nhìn nhận.

Luật sư Hà Thị Khuyên nói về xác nhận cư trú. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hà Thị Khuyên (Đoàn luật sư Hà Nội) đánh giá để thực hiện chủ trương số hóa hệ thống dân cư, thì nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành.

Song thực tế cho thấy một số cơ quan hành chính Nhà nước chưa trang bị được các trang thiết bị quét thông tin trên căn cước công dân gắn chip để lấy dữ liệu.

Dẫn Khoản 4 Điều 14 Nghị định 104/2022/NĐ-CP, luật sư Khuyên phân tích các loại giấy tờ có giá trị chứng minh thông tin về cư trú gồm: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân, giấy xác nhận thông tin về cư trú, giấy thông báo số định danh cá nhân và thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Theo luật sư, hiện chỉ có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở, thì khi làm các thủ tục này người dân cần có giấy xác nhận thông tin về cư trú.

Lý do là nhiều cơ quan, tổ chức hành nghề công chứng, chứng thực, cơ quan đăng ký đất đai vẫn chưa đồng bộ hệ thống, chưa có thiết bị quét mã QR trên căn cước công dân.

Đa phần "xác nhận cư trú" liên quan đến đăng ký kết hôn

Trong khi đó, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an Hà Nội ghi nhận, hiện nay phần lớn trường hợp người dân phải đến Công an phường để xin xác nhận thông tin cư trú có liên quan đến thủ tục đăng ký kết hôn.

Trong khi nhóm đối tượng này thường xuyên có biến động về chỗ ở, nơi cư trú, nên thông tin cư trú chưa thể hiện được hết. Cùng với đó, dữ liệu hộ tịch, tư pháp vẫn chưa được ngành tư pháp số hóa, kết nối với dữ liệu quốc gia về dân cư. 

Về vấn đề này, luật sư Hà Thị Khuyên - Đoàn Luật sư Hà Nội dẫn chiếu quy định tại Điều 10 Nghị định 123/2015/NĐ-CP về giấy tờ nộp và xuất trình khi đăng ký kết hôn (trong nước) thì hai bên nam, nữ cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Tờ khai đăng ký kết hôn theo mẫu;

- Chứng minh nhân dân, hộ chiếu, thẻ căn cước công dân hoặc giấy tờ khác có dán ảnh đang còn thời hạn sử dụng;

- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú cấp;

- Quyết định hoặc bản án ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nếu trước đó đã từng kết hôn và ly hôn (Nếu có).

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn