MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở cai nghiện Cà Mau - nơi 25 học viên trốn trại.

Làm gì khi "con nghiện" trốn trại?

Hoàng Huy LDO | 22/09/2018 08:27

Thời gian gần đây, nhiều trại viên trốn khỏi Trại cai nghiện ma túy, “nhong nhong” ngoài đường khiến nhiều người lo lắng. Có nhiều lý do khiến các trại viên trốn trại, tuy nhiên công tác quản lý trại viên cần được xem lại.

Liên tiếp xảy ra nhiều vụ trại viên trốn trại

Đến chiều 17.9, cơ quan chức năng đã truy tìm được 19 trong tổng số 25 học viên bỏ trốn khỏi Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau vào ngày 15.9.

Theo ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chi cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh cho biết, phần đông học viên đều viện lý do vì quá "nhớ nhà" nên đã bỏ trốn và không xảy ra tình trạng đập phá tài sản hoặc chống người thi hành công vụ.

Vào ngày 15.9 có đến 25 học viên đi từ cửa sau của Trại trổ ra bìa rừng trốn trại. Các học viên sau khi được vận động trở lại cho rằng họ thấy nhiều người đi nên đi theo.

Trước đó, vào ngày 5.9, nhiều học viên Trung tâm cai nghiện đóng tại xã Mỹ Long, huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp cũng trốn trại. Sự việc được báo cáo, trong khi các học viên điều trị lâu ngày đang dùng cơm chiều, một số học viên mới vào cai nghiện ở 11 phòng (khoảng 38 học viên, trong tổng số hơn 240 học viên đang điều trị) đồng loạt phá cửa phòng ra ngoài.

Các học viên đi theo nhiều hướng, đi đến đâu gặp vật dụng gì thì lấy vật dụng đó làm hung khí để chống trả lực lượng bảo vệ.

Trước đó, vào 11.8 hơn 330 học viên của cơ sở cai nghiện ma túy Tiền Giang đánh cán bộ, đập phá cổng bỏ trốn ra ngoài. Điều đáng lưu ý là cổng rào của cơ sở này khá kiên cố nhưng bị các trại viên làm hư hỏng, bể ổ khóa, thoát ra ngoài. Anh Nguyễn Trung Hải, cán bộ của cơ sở cai nghiện ma túy sáng 11.8 đã bị một nhóm học viên đánh bị thương, phải điều trị tại một bệnh viện.

Vận động, thuyết phục là chính

Tại Cà Mau, lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Cà Mau tiếp tục làm công tác tư tưởng, động viên từng học viên hợp tác trong việc điều trị cai nghiện để sớm hòa nhập cộng đồng, đồng thời đề xuất cơ quan chức năng trang bị một số thiết bị, công cụ hỗ trợ cần thiết để quản lý học viên đạt hiệu quả tốt hơn. Cơ sở này đang quản lý 398 học viên.

Đối với các học viên Đồng Tháp, họ cho rằng có sự không công bằng do những học viên ở nửa thời gian là được ra trại. Họ cho rằng tòa án quyết định cai nghiện 12 tháng nhưng chỉ cần cai nghiện 6 tháng là được về.

Theo quy định, tòa án ra quyết định đưa đi cai nghiện bắt buộc, thời hạn từ 1-2 năm, tùy thuộc vào từng đối tượng. Thẩm quyền của trung tâm cai nghiện ma túy, khi học viên chấp hành một nửa thời gian, nếu chấp hành cai nghiện tốt sẽ xem xét giảm thời gian điều trị tại trung tâm. Hiên tại, Bộ LĐTBXH đã có hướng dẫn chi tiết quy chế khen thưởng kỉ luật. Nếu học viên cai nghiện được chấp hành tốt thì ít nhất phải điều trị tại trung tâm 12 tháng mới thuộc diện xem xét và có quyết định giảm thời gian chấp hành điều trị của tòa án hay không.

Tại Tiền Giang, sau khi các học viên trốn trại, ngành chức năng vận động, thuyết phục các học viên trở lại trại. Ngày 12.8, ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội – Bộ LĐTBXH đã có buổi làm việc với lãnh đạo một số cơ quan tỉnh Tiền Giang, đồng thời lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và động viên các học viên đang tham gia chương trình cai nghiện ma túy tại đây. Ông Lập cũng giải thích rõ quyền, lợi ích của các học viên và những quy định của pháp luật liên quan đến thời gian cai nghiện.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn