MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hai bị can làm giả giấy tờ để đi thi hộ tại cơ quan công an quận Cầu Giấy. Ảnh: Công an cung cấp

Làm giả căn cước công dân để thi hộ: Có thể bị phạt tù cao nhất 7 năm

LƯƠNG HẠNH LDO | 25/07/2022 19:30
Việc các đối tượng chỉnh sửa ảnh tinh vi, làm giả giấy tờ như căn cước công dân để đi thi hộ được Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng đây là hành vi đáng lên án và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Mới đây, ngày 23.7, thông tin từ Công an TP. Hà Nội, Công an quận Cầu Giấy vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Văn Dũng (SN 1994, trú tại thôn Đồng Mít, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) và Đỗ Hữu Hưởng (SN 2000, trú tại thôn La Phù, xã Ninh Khang, huyện Hoa Lư, Ninh Bình) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức.

Qua trình điều tra, cơ quan công an xác định, Trần Văn Dũng và Đỗ Hữu Hưởng đã làm giả căn cước công dân để thi hộ. Cụ thể, Trần Văn Dũng và Đỗ Hữu Hưởng trực tiếp làm 2 thẻ căn cước công dân giả tham gia kỳ thi của một trường chuyên sư phạm vào đầu tháng 7 vừa qua.

Trước đó, ngày 18.7, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Vũ Duy Hùng (SN 1990, trú tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) và Nguyễn Huy Hoàng (SN 1988, trú tại phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) để điều tra về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa cho rằng đây là hành vi cần phải lên án. Hành vi này thể hiện sự thiếu nhận thức, bất chấp pháp luật vì lợi ích cá nhân của các đối tượng vi phạm.

Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá hành vi này đã tiếp tay cho việc gian lận trong thi cử, gây ảnh hưởng trực tiếp tới trật tự quản lý hành chính Nhà nước. Không chỉ vậy, việc này còn ảnh hưởng tới hình ảnh, đánh giá chính xác kết quả giáo dục của nước ta.

Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa nhận định: "Nhìn theo phương diện cung – cầu, chúng ta cũng cần phải lên án, xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi mua, sử dụng các giấy tờ giả này để thuê hoặc nhờ người khác thi hộ. Bởi hành vi đó đi ngược lại với thông điệp “Học thật, thi thật, nhân tài thật” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra với ngành giáo dục. Việc làm này đi ngược lại chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước ta hiện nay". 

  Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa. Ảnh: NVCC.

Theo Luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa, trên thực tế, tùy theo tính chất mức độ của hành vi vi phạm cụ thể mà pháp luật hiện hành có các chế tài tương ứng như: Xử phạt hành chính; truy cứu trách nhiệm hình sự... Đối với hành vi làm giả giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân cũng vậy, tùy theo tính chất, mức độ, người vi phạm có thể:

Bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điểm a, Khoản 4, Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP năm 2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình với mức phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính (ở đây là Giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân hoặc máy móc, thiết bị để làm ra chúng) theo Khoản 5, Điều 10 Nghị định 144/2021/NĐ-CP hoặc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm được quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 10 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP.

Bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về “Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” với khung hình phạt cao nhất đến 7 năm tù. Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn