MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Sẽ không triển khai ngay việc xây dựng Bảo tàng Lịch sử Việt Nam

Đức Thành LDO | 11/09/2017 18:33

Kế hoạch tiếp tục xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỉ đồng gây nên nhiều ý kiến dư luận trái chiều. Ngày 11.9, Bộ Xây dựng đã ra thông cáo về vấn đề này.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, đầu năm 2017, dự án bắt đầu tiếp tục được triển khai, hiện đã cơ bản hoàn thành các công tác chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng. Song do không được bố trí vốn nên dự án hiện đã dừng hoàn toàn.

Ngày 11.9, Bộ Xây dựng đã ra thông cáo, thông tin về vấn đề này. Theo đó, Đề án xây dựng Bảo tàng lịch sử Quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 281/2006-TTg ngày 19/12/2006.

Tuy nhiên, trong các năm 2015, 2016, 2017 và kế hoạch trung hạn 2017-2020, dự án không được bố trí nguồn vốn để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có công tác chuẩn bị xây dựng nội dung và hình thức trưng bày, triển khai thiết kế kỹ thuật, vì vậy các Ban Quản lý dự án không có nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cũng như chi trả tiền lương, Bảo hiểm xã hội cho cán bộ viên chức.

Để tháo gỡ khó khăn cho quá trình triển khai dự án, nhất là hoạt động của các Ban Quản lý dự án, giải quyết chế độ, đời sống của cán bộ viên chức đang làm việc tại đây, ngày 17/7/2017 Bộ Xây dựng đã có công văn số 1616/BXD-KHTC báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai Dự án đầu tư xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia và kiến nghị Thủ tướng Chính phủ 02 nội dung, đó là: Kiện toàn và tổ chức họp Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia để nghe Bộ Xây dựng, Bộ VHTTDL báo cáo tình hình thực hiện cụ thể của Dự án và chỉ đạo định hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và chỉ đạo các Bộ ngành có liên quan tiếp tục thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 13.8.2015 về Dự án đầu tư xây dựng công trình Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ông Nguyễn Quang Nam - Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng cho biết: Trong tình hình kinh tế, bố trí ngân sách khó khăn, quan điểm của Bộ Xây dựng là không thúc đẩy triển khai dự án vào lúc này. Thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, phấn đấu có thể khởi công sớm nhất vào năm 2021, khi điều kiện kinh tế xã hội chung của đất nước cho phép, trước mắt cần tập trung thực hiện tốt công tác chuẩn bị, nhất là phần xây dựng nội dung, phương án phân loại và thu thập hiện vật, phương án trưng bày…

Việc Bộ Xây dựng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ là cần thiết nhằm xin ý kiến chỉ đạo của Ban Chỉ đạo nhà nước xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quốc gia về hoạt động cho các Ban Quản lý dự án trong thời gian tới và có phương án bố trí ngân sách để các Ban duy trì hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn