MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị can Phạm Đức Tuấn và Ngô Thị Thu Huyền. Ảnh: Bộ Công an

Lãnh đạo Cty BMS vừa bị bắt đã “rút ruột” bệnh nhân như thế nào?

M.Hường LDO | 03/09/2020 08:38
Chủ tịch công ty BMS bị bắt vì liên quan đến chiếm đoạt tiền của người bệnh ở Bệnh viện Bạch Mai.

Ông Phạm Đức Tuấn, 42 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần công nghệ y tế BMS (Công ty BMS) cùng cấp dưới Ngô Thị Thu Huyền bị bắt tạm giam với cáo buộc nâng khống giá thiết bị y tế để chiếm đoạt tiền của người bệnh tại Bệnh viện Bạch Mai.

Thiếu tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, Bộ Công an - cho biết, ông Tuấn và bà Ngô Thị Thu Huyền (37 tuổi, Phó Giám đốc Công ty BMS) bị bắt tạm giam để điều tra về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án do Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an thụ lý. Ngoài hai người trên, C03 cũng ra quyết định khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú với Trần Lê Hoàng, 42 tuổi, thẩm định viên Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội (VFS) về cùng tội danh.

Cùng ngày 1.9, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định tố tụng với các bị can.

“Việc khám xét với các bị can được thực hiện tối muộn ngày 1.9”, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết. Kết quả điều tra cho thấy một số cá nhân tại BMS và VFS “có thủ đoạn gian dối, câu kết hợp thức các thủ tục để nâng khống lên nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế đưa vào hợp đồng liên doanh, liên kết với Bệnh viện Bạch Mai, nhằm chiếm đoạt số tiền lớn của người bệnh”.

Theo nguồn tin, giai đoạn 2016 - 2017, Công ty BMS đã đưa hàng loạt máy móc, thiết bị y tế vào Bệnh viện Bạch Mai theo dạng liên doanh liên kết thực hiện chủ trương xã hội hóa y tế. Đầu năm 2017, giữa Bệnh viện Bạch Mai và Công ty BMS ký kết liên doanh liên kết về đặt các thiết bị để chữa trị cho bệnh nhân. Theo thỏa thuận, Công ty BMS đầu tư 100% vốn và hai bên ăn chia 50 - 50 (sau khi trừ các chi phí) trong thời gian 7 năm.

Một trong các thiết bị công ty này ký kết với Bệnh viện Bạch Mai là sản phẩm robot phẫu thuật thần kinh Rosa. Sản phẩm này Công ty BMS công bố giá khoảng 39 tỉ đồng, 100% phía công ty bỏ ra. Tuy nhiên, thực tế, sản phẩm này cộng các chi phí có giá khoảng 10 tỉ đồng. Việc nâng khống giá thiết bị sau đó phía công ty nâng giá chữa trị cho bệnh nhân lên nhiều lần nhằm trục lợi.

Đầu tháng 3.2017, Bệnh viện Bạch Mai thông tin với báo chí đã sử dụng sản phẩm robot Rosa để phẫu thuật thành công cho 2 bệnh nhân đầu tiên bị giãn não thất. Qua hơn 3 năm, đến nay có hàng trăm bệnh nhân được phẫu thuật thần kinh bằng robot Rosa.

Với việc thổi khống giá trị máy lên gấp 4 lần giá trị thực, Công ty BMS và BV Bạch Mai đã thu của bệnh nhân số tiền cao gấp nhiều lần số tiền họ phải trả. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng. Ước tính mỗi tháng có khoảng 20 trường hợp bệnh nhân sử dụng thiết bị này, tính từ khi lắp đặt robot Rosa tại Bạch Mai đến nay đã có hàng trăm bệnh nhân bị móc túi với số tiền không nhỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn