MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đào Xuân Thắng (ngoài cùng bên trái) cầm đầu đường dây cho vay lãi nặng bị Cục Cảnh sát hình sự triệt phá. Ảnh: CACC

Lập băng nhóm từ Hải Phòng vào TPHCM cho vay lãi "cắt cổ" tới 1.738%/năm

Việt Dũng LDO | 04/12/2021 18:37
Đào Xuân Thắng (31 tuổi) cầm đầu cùng vợ và đàn em trong đường cho vay lãi nặng, với lãi suất từ 282 - 1.738%/năm vừa bị Bộ Công an triệt phá.

Ngày 4.12, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cho biết đã khởi tố Đào Xuân Thắng (31 tuổi, 2 tiền án, Hải Phòng) cùng 6 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Thủ đoạn "né" bị cảnh sát phát hiện, lôi kéo người vay

Theo Cục Cảnh sát hình sự, trước đó phát hiện băng nhóm đối tượng gốc Hải Phòng, đã có tiền án, tiền sự, hoạt động lưu động vào TPHCM để cho vay lãi nặng, hoạt động “tín dụng đen” với quy mô lớn.

Ngày 24.11, Cục Cảnh sát hình sự đã tiến hành phá án, đồng loạt khám xét khẩn cấp 4 địa điểm tại TPHCM, thu giữ nhiều sổ sách, hợp đồng cho vay, hợp cầm cố, ủy quyền, thế chấp tài sản (nhà cửa, ôtô) có liên quan đến hoạt động cho vay lãi nặng của các đối tượng.

Cảnh sát đồng thời làm rõ các đối tượng liên quan gồm: Phạm Thị Thúy Hằng (32 tuổi, vợ của Đào Xuân Thắng), Nguyễn Văn Luyện (41 tuổi), Trần Văn Chung (30 tuổi), Đào Văn Thuận (46 tuổi), Hoàng Đăng Dũng và Trần Hồng Giang.

Điều tra ban đầu của cảnh sát xác định, tháng 5.2020, Đào Xuân Thắng, Nguyễn Văn Luyện cùng một số đàn em từ Hải Phòng bắt đầu vào TPHCM, thuê chung cư để hoạt động cho vay lãi nặng.

Thắng trực tiếp chỉ đạo, điều hành toàn bộ hoạt động của băng nhóm; quyết định các khoản vay, hình thức cho vay, lãi suất và cũng là người trả lương cho các đối tượng đàn em giúp sức.

Thắng thường cho khách vay với 2 hình thức gồm: Vay “bát họ”- trả tiền góp theo ngày, lãi suất từ 282-1.738%/năm; vay “lãi nằm”- đóng tiền lãi 15 ngày một lần, lãi suất 5.000 đồng/ triệu/ngày hoặc 1,5%/ngày, tương đương mức lãi suất 180- 547,5%/năm.

Để lôi kéo những người đang có nhu cầu vay tiền, các đối tượng cho đăng quảng cáo trên các website, mạng xã hội; kết nối với các đối tượng môi giới (“cò”) làm trong ngành ngân hàng, tài chính để giới thiệu người đang có nhu cầu vay vốn để kinh doanh, đầu tư, buôn bán, đặc biệt là những người có nhu cầu đáo nợ ngân hàng.

Ngoài ra, nhằm tránh sự phát hiện, xử lý của lực lượng Công an, Thắng không mở cơ sở kinh doanh cầm đồ, hỗ trợ tài chính ở một địa điểm cố định. Bị can thuê căn hộ chung cư để ở và hoạt động, quảng cáo dịch vụ cho vay lãi trên mạng để thu hút khách vay, lập các nhóm Zalo để trao đổi công việc cho vay, đòi nợ, siết nợ…

Chúng lập, sử dụng tài khoản kế toán trên trang web “dongnai123.online” để quản lý, theo dõi các khoản vay của khách, số tiền gốc, tiền lãi, tiền góp hàng ngày theo từng mã vay, từng khách hàng.

Khi “khách” vay có nhu cầu muốn vay tiền, Thắng chỉ đạo Nguyễn Văn Luyện, Trần Hồng Giang, Hoàng Đăng Dũng,… liên hệ với người vay để kiểm tra chỗ ở, điều kiện kinh tế.

Khi vay tiền, khách hàng phải để lại các giấy tờ như Chứng minh nhân dân, Giấy phép lái xe, Sổ hộ khẩu... để làm tin và viết giấy vay nợ.

Đối với những khách vay khoản vay lớn, Thắng yêu cầu khách viết giấy tờ thế chấp, hợp đồng cầm cố tài sản hoặc hợp đồng ủy quyền sử dụng tài sản như ôtô, nhà cửa nhằm mục đích đảm bảo cho khoản vay, nếu sau này khách chậm trả hoặc không trả được nợ thì sẽ ép khách làm thủ tục sang tên tài sản.

Đến hẹn trả tiền, các đối tượng Luyện, Giang, Dũng nhắn tin, gọi điện đôn đốc trả nợ đúng hẹn. Đối với những người vay chậm đóng tiền lãi, tiền góp hàng ngày, Thắng chỉ đạo đối tượng đàn em gây sức ép để yêu cầu người vay “bốc bát” mới để đáo hạn, tất toán cho các khoản vay trước.

Với thủ đoạn cho vay kiểu “lãi chồng lãi” như trên, dẫn đến việc nhiều người vay mặc dù đã trả cho nhóm của Thắng số tiền lãi gấp nhiều lần tiền gốc nhưng vẫn chưa trả hết nợ, phải chuyển nhượng tài sản có giá trị cao như căn hộ, ôtô cho chúng.

Tiền cho “khách hàng” vay là tiền của Thắng hoặc tiền góp chung với Trần Văn Chung, Luyện, Thuận.

Cho vay lãi suất "cắt cổ"

Sau khi kiểm tra và làm thủ tục cho “khách hàng” vay, Thắng chỉ đạo vợ là Phạm Thị Thuý Hằng chuyển tiền từ tài khoản của Hằng đến tài khoản của người vay.

Khi “khách hàng” trả tiền góp hàng ngày (gồm tiền gốc và tiền lãi) vào tài khoản của Luyện, Giang, Dũng thì những người này lại chuyển tiền vào tài khoản của Hằng, sau đó nhắn tin báo đã chuyển.

Tiền lãi thu được, Hằng sẽ tính toán và chia theo tỉ lệ góp vốn. Với nhiệm vụ như trên, Thắng trả cho Luyện 15 triệu đồng/tháng; Trần Hồng Giang 20 triệu đồng/tháng; Hoàng Đăng Dũng 10 triệu đồng/tháng.

Từ lời khai của các đối tượng, bước đầu xác cơ quan CSĐT Bộ Công an xác định, nhóm Thắng đã cho hàng trăm khách hàng vay với số tiền cho vay lên tới hàng trăm tỉ đồng. Đơn cử, cho các “khách” vay, đều trú tại TPHCM với lãi suất “cắt cổ”.

Trong đó có anh P.C.L vay 16,2 tỉ đồng, lãi suất từ 282 - 1.738%/năm, thu lợi bất chính trên 5 tỉ đồng; anh N.V.S vay hơn 3,6 tỉ đồng, lãi suất từ 491 - 983%/năm, thu lợi bất chính trên 4 tỉ đồng; chị T,D.K vay 24 tỉ đồng, lãi suất từ 144 - 491%/năm, tổng số tiền gốc và lãi phải trả là gần 40 tỉ đồng,…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn