MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Lãnh đạo huyện Ia H’Drai trao đổi về việc xây nhà trái phép tại khu vực biên giới. Ảnh: ĐÌNH VĂN

Lập nhà trái phép để trung chuyển hàng lậu

Đình Văn LDO | 15/08/2017 06:30

Đã có 14 căn nhà, lán trại trái phép mọc lên tại khu vực biên giới huyện Ia H’Drai (Kon Tum). Nguồn lợi quá lớn từ việc thu mua nông sản và trung chuyển hàng lậu nên một số hộ bất chấp việc xử phạt, tháo dỡ. Bóng dáng “xã hội đen” xuất hiện khiến việc xử lý của huyện chùng xuống.

Thách thức

Dù là đất rừng, không thuộc đất quy hoạch làm điểm dân cư nhưng nhiều hộ vẫn cố tình chiếm dụng. Lán trại, nhà cửa mọc lên với mục đích thu mua nông sản (mỳ lát) từ Campuchia sang để kiếm lời. Thôn 1, thôn 7 và thôn 8 của xã Ia Đal trở nên náo động khi tình trạng diễn ra quá công khai. Các căn nhà được dựng lên với kết cấu khung sắt, lợp tôn, nền bêtông ximăng hẳn hoi.

“Thậm chí, có trường hợp hộ cá nhân từ tỉnh Gia Lai làm sẵn bộ khung bên đó, rồi dùng thuyền, xe tải chở sang, vào đến Kon Tum là bắn vít, dựng lên” - Chủ tịch xã Ia Đal, ông Ngụy Đình Phúc khẳng định. Trớ trêu ở chỗ, đa số các hộ dựng nhà, lán trại trái phép không phải thiếu đất ở mà là mục đích kinh doanh, buôn bán gắn mác “đại lý”. Quá trình xử lý, huyện Ia H’Drai đã buộc 9 hộ tháo dỡ và được chấp hành, tuy vậy số còn lại đang cố chấp, tìm cách đối phó.

Tại xã Ia Đal, nổi lên là các hộ L.C.L, Nguyễn Th.M.H, Trần Th.H (cùng trú xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai, Kon Tum), Phan Đ.Hg (trú khu phố 2, TT.Ia Kha, hyện Ia Grai, Gia Lai) và Lê H.H (trú 64/Bùi Thị Xuân, TP.Pleiku, Gia Lai), trong đó chủ đại lý Hà luôn có biểu hiện thách thức.

Đến nỗi, Chủ tịch xã Ia Đal - Ngụy Đình Phúc phải ký báo cáo số 83 nêu thực trạng: “Ông Hà cùng vợ là Đồng Thị Thừa nhiều lần lên trụ sở xã gây rối, vì liên quan đến việc tranh mua, tranh bán nông sản qua khu vực biên giới, thường xuyên đưa các đối tượng từ tỉnh Gia Lai vào cư trú bất hợp pháp trong khu vực biên giới”. Xã Ia Đal đã ban hành trên dưới 7 văn bản yêu cầu tháo dỡ, nhưng lạ thay căn nhà của ông Hà tồn tại một cách khó hiểu.

Biên phòng “lặng thinh”

Việc không xử lý rốt ráo của huyện Ia H’Drai, làm một số đối tượng trung chuyển hàng lậu, buôn bán hàng cấm có biểu hiện “lờn thuốc”. Cụ thể, năm 2014, ông Hà cùng vợ là Đồng Thị Thừa đã “bảo kê” cho con trai là Lê Tiến Phát (SN 1995) móc nối với một đối tượng tên Rít (trú Campuchia), bỏ ra 660 triệu đồng để buôn lậu thuốc lá. Phát bị tuyên phạt 3 năm tù giam; bà Thừa và ông Hà mỗi người nhận án 3 năm tù treo, thời gian thử thách 5 năm.

Sau khi dính án tù, đại lý Lê Hồng Hà dường như buôn bán “phát đạt” hơn, việc thách thức thêm manh động khi cán bộ tỉnh Kon Tum muốn tháo dỡ nhà cũng phải tỏ ra e dè, sợ sệt. Chưa kể việc cư trú của gia đình ông Hà tại xã Ia Đal là bất hợp pháp theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP về “Quy chế khu vực biên giới đất liền”, tại mục 2, khoản 2, điều 5 (Chương II) nêu rõ: “Người được hưởng án treo, người đang bị quản chế không được cư trú tại khu vực biên giới đất liền”.

Chủ tịch huyện Ia H’Drai (Kon Tum) Nguyễn Văn Lộc thừa nhận: Quá trình kiểm tra, huyện phát hiện một số nhà xây dựng trái phép hoặc xây nhà trên đất chưa được công nhận sở hữu. Các hộ chủ yếu buôn bán nông sản cho phía tỉnh Natarakiri (Campuchia). “Việc để dựng nhà trái phép, rõ ràng có trách nhiệm của bộ đội biên phòng và cả UBND xã trong đó. Xây dựng ở khu vực biên giới thì anh phải ngăn chặn ngay từ đầu, không thể để sự việc đã rồi thì xử lý rất khó” - ông Lộc khẳng định.

Trong khi đó, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sa Thầy (Bộ Chỉ huy quân sự Kon Tum) Nguyễn Quang Thành lại cho rằng: “Về quy định thì Đồn biên phòng không có thẩm quyền về xử lý lĩnh vực xây dựng và đất đai”. Trước câu hỏi của phóng viên: “Vậy thì mình buông lỏng quản lý con người để họ dựng nhà trái phép?”. Ông Thành từ chối phản hồi và đề nghị phải có “cấp trên cho phép mới trả lời”.

Trao đổi về hướng xử lý, tháo gỡ các căn nhà xây dựng trái phép, Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai, ông Nguyễn Văn Lộc thẳng thắn: “Tới đây, nếu tỉnh thỏa thuận xong vị trí quy hoạch mới thì huyện sẽ quy hoạch chi tiết, cho san ủi. Sau đó, mời các hộ (lập nhà trái phép) vào thuê đất ở đó, nếu không buộc phải dời đi”.

Ngày 28.7, sau khi mãn hạn tù về tội “Buôn bán hàng cấm”, Lê Tiến Phát đã nổ súng bắn chết anh Trương Trọng Toàn (SN 1994, trú thôn Long Thạch, xã Xuân Lộc, huyện Sông Cầu, Phú Yên) trong quá trình đòi nợ tại P.Ia Kring, TP.Pleiku, Gia Lai. Ngày 1.8, Công an tỉnh Gia Lai bắt tạm giam, khởi tố Phát về hành vi “Giết người”.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn