MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Lê Thanh Trung, một mắt xích tiêu thụ 200 triệu lít xăng lậu từ Singapore về Việt Nam. Ảnh: Hà Anh Chiến

Lập nhóm Anh em siêu nhân tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng lậu

HÀ ANH CHIẾN LDO | 08/11/2022 14:18

Đồng Nai - Ngày 8.11, phiên tòa xét xử 74 bị cáo trong đường dây buôn lậu 200 triệu lít xăng ở các tỉnh phía Nam tiếp tục xét hỏi bị cáo Lê Thanh Trung (39 tuổi, ngụ TP Cần Thơ), Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Tây Nam 01 SWP, đây là mắt xích quan trọng trong việc tiêu thụ phần lớn lượng xăng lậu của các ông trùm.

Lập nhóm chat “anh em siêu nhân” để tiện xuất, nhập xăng lậu

Theo cáo trạng truy tố, Trung góp vốn thành lập 4 công ty kinh doanh xăng dầu. Năm 2020, Nguyễn Hữu Tứ liên hệ bán cho Trung nguồn xăng nhập lậu thấp hơn giá xăng bán lẻ của Petrolimex và được Trung đồng ý. 

Tứ sử dụng các tàu của mình chở xăng từ khu vực Nhà nuôi yến của Nguyễn Hữu Tứ (tỉnh Vĩnh Long) đến kho Nam Phong (tỉnh Long An) để bán cho Trung và các khách hàng của Tứ. 

Nguyễn Hữu Tứ tại phiên toà ngày 8.11. Ảnh: Hà Anh Chiến

Lúc này, Công ty của Trung cũng đang thuê 2 bồn chứa xăng dầu tại kho Nam Phong, nên Trung thu tiền kho đối với các khách hàng của Tứ là 150 đồng/lít. Tháng 7.2020, khách hàng của Tứ đến mua xăng tại kho thì Trung được thu tiền kho từ 400 đồng đến 550 đồng/lít xăng nhập lậu. 

Để hợp thức hóa việc vận chuyển xăng nhập lậu từ khu vực nhà nuôi yến đến kho Nam Phong, Tứ và Trung đã thỏa thuận sử dụng pháp nhân của Công ty TNHH TMDV XNK Phúc Thịnh do Trung thành lập nhằm hợp thức hóa hồ chứng từ vận chuyển xăng nhập lậu để đối phó với các cơ quan chức năng khi bị kiểm tra. 

Ngoài ra, Trung điều động thêm các nhân viên đang làm việc tại các Công ty Xăng dầu của Trung gồm: Nguyễn Hữu Hiền, Trần Thị Cẩm Vân, Nguyễn Tiến Dũng cùng với Trần Minh Giang thực hiện quản lý toàn bộ số liệu nhập, xuất và thông tin khách hàng mua xăng nhập lậu tại kho Nam Phong. 

Để phục vụ cho việc quản lý, chốt số liệu hằng ngày, Trung trang bị cho Dũng, Vân, Giang 3 điện thoại iPhone 8 Plus và yêu cầu Dũng cài đặt sẵn ứng dụng WhatsApp cho từng máy để Dũng, Vân, Giang thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của Trung.

Dũng đã tạo nhóm chat “Anh em siêu nhân” trên ứng dụng WhatsApp gồm Dũng, Vân, Giang do Dũng làm Trưởng nhóm để trao đổi công việc nhập, xuất xăng nhập lậu theo sự chỉ đạo của Trung.

Ngoài số tiền lương theo hợp đồng, mỗi tháng, Trung trả thêm cho mỗi người từ 35 triệu đồng đến 60 triệu đồng.

Để quản lý, theo dõi việc mua bán xăng nhập lậu của các khách hàng, Trung, Dũng, Vân, Giang đã thống nhất đặt ký hiệu từ “TK01” đến “TK06” cho từng khách hàng cụ thể như sau: 

Công ty Tây Nam Bộ và 17 cây xăng của Trung (ký hiệu TK01); Trần Huy Lập – Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (ký hiệu TK02); Vợ chồng Võ Thanh Bình, Nguyễn Thanh Tân - Công ty Tân Bình Phong Phú (ký hiệu TK03); Phạm Thị Hương – Công ty Dầu khi Thanh Bình (ký hiệu TK04); Nguyễn Thanh Binh – Công ty Best Oil (ký hiệu TK05); Lê Hùng Phong – Công ty Tân Vĩnh (ký hiệu TK06). 

Từ tháng 3.2020 - 2.2021, Lê Thanh Trung giúp Nguyễn Hữu Tứ quản lý, tiêu thụ hơn 100 triệu lít xăng, thu lợi gần 56 tỉ đồng.

Biết xăng không hoá đơn nhưng vì hám lợi nên chấp nhận 

Tại phiên toà, bị cáo Lê Thanh Trung cho rằng: Kho Nam Phong hoạt động từ năm 2018 do Trung thuê cải tạo, kho hoạt động độc lập và không thoả thuận với Hữu, Tứ để chứa xăng lậu như trong cáo trạng truy tố. 

“Bị cáo chỉ cho Tứ thuê chứa kho, thu tiền kho, lưu kho với Tứ 150 đồng/lít của Tứ chứ bị cáo không thu tiền khách hàng của Tứ nên mong hội đồng xét xử không áp dụng biện pháp tăng nặng với bị cáo” – Trung khai tại toà.

Tại toà, Trung còn khai, quen biết Tứ từ trước năm 2020, khi đó Trung làm nhân viên kinh doanh xăng dầu ở Cần Thơ, Tứ có các cửa hàng kinh doanh xăng dầu. Trung cũng khai biết Phan Thanh Hữu thông qua Tứ vì Tứ có giới thiệu Hữu cho bị cáo để hỗ trợ, hướng dẫn Hữu lập các hồ sơ công ty xin giấy phép làm thương nhân phân phối xăng dầu.

Khi Tứ bán hàng cho Trung thì Trung đã biết là hàng không hoá đơn chứng từ nhưng Trung không biết nguồn gốc từ đâu. Trung có mua hàng hoá của bị cáo Tứ 2 giai đoạn, từ tháng 3.2020 - 5.2020, Trung mua hơn 5 triệu lít, từ tháng 7.2020 - 2.2021, Trung mua gần 20 triệu lít.

Trung còn khai: "Theo thoả thuận, bị cáo Tứ bán xăng cho bị cáo theo từng thời điểm, trung bình giá thấp hơn giá thị trường từ 2.000 đồng – 2.300 đồng/lít. Trong làm ăn, bị cáo hám lợi nên bất chấp, mặc dù biết hàng không hoá đơn chứng từ”.

Sau khi mua hàng của Tứ, bị cáo cho xuất hàng về các cửa hàng bán xăng lẻ của bị cáo để bán ra thị trường. Ngoài ra, bị cáo còn bán cho các khách hàng có ký hợp đồng với bị cáo và đều có đầy đủ hoá đơn chứng từ, lấy danh nghĩa công ty SFT ở Cần Thơ.

Về việc thành lập Công ty Phúc Thịnh, bị cáo Trung khai, thành lập từ giữa năm 2020 và thừa nhận việc trang bị điện thoại cho nhân viên, thành lập nhóm chát “5 anh em siêu nhân” để trao đổi thông tin mua bán xuất nhập xăng lậu.

Đối với việc đặt ký hiệu từ “TK01” đến “TK06” cho từng khách hàng, Trung khai chỉ bán xăng cho TK01 và TK02, còn từ TK03 đến TK06 thì đều là khách hàng của Tứ, Trung chỉ cho thuê kho. 

“Đối với TK01, bị cáo đã xuất hàng gần 25 triệu lít xăng, TK02 xuất hơn 6 triệu lít xăng, còn các khách hàng khác, bị cáo không nhớ chính xác” – Trung khai.

Trái với lời khai của bị cáo Trung về việc các khách hàng từ TK03-TK06 là của Tứ, cũng tại phiên toà sáng ngày 8.11, Tứ khai rằng, Trung khai chỉ đúng một phần, chỉ giai đoạn đầu các khách hàng TK03-TK06 là của bị cáo, còn từ thời điểm tháng 7.2020-2.2021 thì đã bàn giao lại cho Trung, chứng minh là việc thành lập nhóm “5 anh em siêu nhân” để xuất nhập xăng lậu.

Cuối cùng, Trung thừa nhận hành vi sai phạm và khai rằng: “Khi mua hàng của Tứ là không có hoá đơn chứng từ, bị cáo biết nhưng việc mua bán của bị cáo ở nội địa, bị cáo chỉ nghĩ nếu có sai thì là sai phạm hành chính, đến khi bị bắt mới biết là hàng nhập lậu. Bị cáo tiêu thụ hàng nhập lậu nên rất ân hận, vì ham lợi mà không tìm hiểu rõ nguồn gốc hàng hoá...” .

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn